LỜI GIỚI THIỆU

Để miêu tả sự phát triển của xã hội loài người cho đến ngày nay, kỹ sư Gu-xta-vơ Ay-xen-béc (Người Thụy Sỹ) đã đưa ra một hình ảnh thú vị. Ông ví sự phát triển đó như một cuộc chạy Ma-ra-tông sáu mươi ki-lô-mét. Mỗi ki-lô-mét tượng trưng cho một vạn năm. Phần lớn con đường phát triển của nhân loại xuyên qua rừng rậm hoang vu, giữa thiên nhiên nguyên thủy. Mãi đến cây số thứ năm mươi tám, năm mươi chín mới xuất hiện những mầm mống đầu tiên của văn minh: vũ khí thô sơ của người nguyên thủy, hình vẽ trong hang đá. Ở cây số cuối cùng ta gặp những người làm ruộng đầu tiên. Còn ba trăm mét nữa đến đích, các lực sỹ chạy trên con đường lát đá phiến dẫn họ qua các Kim tự tháp Ai-cập và những thành trì cổ La-mã. Còn một trăm mét nữa, trên đường xuất hiện những kiến trúc đô thị thời Trung cổ và họ nghe thấy tiếng kêu thét của những người bị thiêu trên giàn lửa của Tòa án tôn giáo.

Còn năm chục mét. «Ở đây có một người đang đứng theo dõi cuộc chạy việt dã bằng cặp mắt thông minh và hiểu biết. Người đó là Lê-ô-na đơ-Vanh-xi»— Ay-xen-béc viết.

Chỉ còn mười mét nữa đến đích, tức là đến thời nay. Ở đầu khúc đường ngắn ngủi ấy, phương tiện thắp sáng vẫn là đuốc và ngọn đèn dầu leo lét. Nhưng trên đoạn năm mét cuối cùng, một điều kỳ diệu đáng sửng sốt xảy ra: ánh điện chan hòa trên đường, ô-tô thay cho xe ngựa, có tiếng máy bay và đám mây nấm của vụ nổ nguyên tử tại Hi-rô-xi-ma…

Bức tranh mà Ay-xen-béc đưa ra giúp ta hình dung hết sức cụ thể tốc độ phát triển gần như hoang đường của khoa học trong thế kỷ này.

Sự phát triển cực kỳ mau lẹ của Khoa học không những có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, mà còn làm đảo lộn nhiều quan niệm tưởng như bất di bất dịch, khiến ta phải thừa nhận những nghịch lý «trái với lương tri», «không thể hình dung nổi», tuồng như chỉ là «trò chơi ngông cuồng» của của trí tưởng tượng bất trị. Thực vậy: thuyết tương đối chẳng phải là «điên rồ» so với cơ học cổ điển sao? Trong thế giới trông thấy, có cái gì giống với ê-lec-trôn vừa có tính chất sóng, vừa có tính chất hạt? Lại còn các môn hình học phi Ơ- cơ-lít, lại còn phản hạt? Kể sao cho hết những «quái dị» mà khoa học đã đem đến cho chúng ta.

Tình thế ấy tất nhiên đề ra cho chúng ta nhiều câu hỏi lớn: trong tương lai, loài người sẽ có những phát minh khoa học vĩ đại như thế nào? Khoa học sẽ đưa xã hội loài người tới đâu? Con người của thời đại ngày nay phải như thế nào và hình ảnh của thế hệ mai sau ra sao?

Giáo sư I-van Ê-phơ-rê-mốp là một nhà tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nổi tiếng của Liên-xô. Nhiều tác phẩm của ông như «Đất nổi sóng», «Trái tim của con rắn», «Những con tàu vũ trụ» đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được đông đảo bạn đọc hoan nghênh.

Dựa vào nhưng thành tựu mới nhất của khoa học, «Tinh vân Tiên nữ» là một trong những cố gắng trả lời cho những câu hỏi trên bằng cách kết hợp tư duy khoa học với sự bay bổng tuyệt vời của trí tưởng tượng nghệ thuật. Đây là một tác phẩm vẽ lên bức tranh rộng lớn về xã hội cộng sản đã phát triển tới mức hoàn mỹ trên toàn hành tinh chúng ta. Cái tương lai được miêu tả ở đây không phải là tương lai của mấy chục hoặc thậm chí mấy trăm năm sau, mà là tương lai xa xăm mang ý nghĩa khái quát.

Trước mắt bạn đọc là một Trái đất hoàn toàn mới lạ, tươi đẹp và được tổ chức hợp lý: sa mạc đã biến thành vườn hoa, thảo nguyên đã biến thành những khu chăn nuôi bất tận; các mũ băng ở địa cực đã bị thu hẹp hẳn lại và châu Nam-cực biến thành kho tàng khoáng sản quí báu; con người đã làm thay đổi căn bản khí hậu trên hành tinh, mọi sự đảo lộn khí hậu một cách dữ dội và bất ngờ đã bị loại trừ hẳn. Tất cả những thay đổi trên có thể thực hiện được là nhờ đã hoàn toàn giải quyết được vấn đề quan trọng số một là vấn đề năng lượng: người ta đã khám phá ra những loại năng lượng hoàn toàn mới. Những kết quả vĩ đại của khoa nông nghiệp cùng với việc chinh phục đại dương, việc sản xuất thức ăn nhân tạo đã vĩnh viễn tiêu diệt nạn thiếu thực phẩm. Việc sản xuất được tự động hóa hoàn toàn, vì vậy các khu dân cư có thể ở rất xa nơi sản xuất. Toàn bộ các khu dân cư và các khu công nghiệp được sắp xếp lại theo phương án tốt nhất. Một thành công vĩ đại khác nữa của việc tổ chức đời sống là hoàn toàn giải thoát con người khỏi sự lệ thuộc vào đồ dùng, đó là kết quả của một phát minh lớn: khám phá ra một số có hạn những chi tiết tiêu chuẩn để từ đó có thể làm ra bất cứ đồ vật và máy móc nào.

Về mặt xã hội, chế độ cộng sản đã được thiết lập trên toàn Trái đất từ lâu. Các dân tộc và chủng tộc trên toàn thế giới hòa vào nhau thành một gia đình duy nhất, có chung một ngôn ngữ, một chữ viết.

Cùng với sự biến đổi điều kiện sống và hoàn cảnh xã hội, bản thân loài người cũng khác hẳn. Mấy trăm thế hệ sống no đủ, lành mạnh, tươi vui đã tạo nên một nhân loại cường tráng, đầy sức sáng tạo. Tuổi thọ của con người đã được nâng cao đáng kể: ba trăm năm chưa phải là giới hạn của đời người. Mỗi người trong xã hội đều có học vấn sâu rộng, vì vậy có thể mau chóng chuyển từ lãnh vực hoạt động này sang lãnh vực hoạt động khác. Con người không còn bị cột chặt vào một nghề nhất định. Lao động trở nên muôn hình muôn vẻ, đầy hứng thú và sáng tạo.

Cuối cùng, một biến chuyển quan trọng đã đến với nhân loại: nhân loại bước vào kỷ nguyên Vành-khuyên vĩ đại, kỷ nguyên liên hệ với các thế giới có lý trí trên các hành tinh gần Trái đất nhất.

Cũng như mọi cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, ở đây các bạn sẽ gặp những cái mới lạ về khoa học và kỹ thuật, cũng như những chuyện phiêu lưu ly kỳ: hành tinh Diếc-đa bị hủy diệt do việc sử dụng các chất phóng xạ một cách bừa bãi, đoàn thám hiểm vũ trụ số ba mươi bảy bị Ngôi sao sắt bắt cóc, việc tìm thấy con tàu vũ trụ «Cánh buồm» mất tích từ tám mươi năm về trước và việc khám phá ra con tàu vũ trụ lạ, từ một thế giới xa xăm tới, những con sứa điện và những cây thập tự giết người trên hành tinh đen.v.v..

Nhưng mặc dù có tính chất khoa học nghiêm chỉnh, có tầm khái quát xã hội rộng lớn, «Tinh vân Tiên nữ» không phải là cuốn sách phổ biến khoa học hay nghiên cứu xã hội học, cũng không phải truyện «phiêu lưu mạo hiểm» hấp dẫn, mà là một tác phẩm văn học lớn. Và cũng như mọi tác phẩm văn học có giá trị, vấn đề trung tâm mà nó đề cập tới là con người, những việc làm, tình cảm, cách xử sự của con người, những va chạm giữa các cá tính, các quan điểm, nguyện vọng trong hoàn cảnh khác thường, khiến cho những đặc điểm cá tính càng nổi bật, những va chạm càng căng thẳng…

Tất cả các nhân vật trong tác phẩm này đều là những nhà bác học, những nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật (sản xuất vật chất cũng đã trở thành một hoạt động khoa học). Đấy là Éc-gơ No-rơ, trưởng đoàn thám hiểm số 37, là Mơ-ven Ma-xơ, chủ nhiệm các trạm liên lạc ngoài Trái đất, là Vê-đa Công, nhà nữ bác học khảo cổ xinh đẹp…

Giữa những người ấy vẫn có những quan hệ và tình cảm bình thường của con người: yêu đương, cãi cọ, giận hờn, đau buồn, tiếc thương… Nhưng những xung đột giữa các nhân vật không xoay quanh các quan hệ cá nhân, mà xoay quanh việc tìm kiếm con đường tốt nhất để đi đến chân lý. Trong việc tìm kiếm đó, họ không sợ mạo hiểm, không sợ hy sinh, không sợ trách nhiệm. Tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá việc làm của họ là: việc làm đó phục vụ như thế nào cho hạnh phúc loài người. Mơ-ven Ma-xơ, chủ nhiệm các trạm liên lạc ngoài Trái đất đã cùng với nhà Vật lý Ren Bô-dơ tiến hành một thí nghiệm vĩ đại nhằm khắc phục không gian và thời gian. Thí nghiệm thất bại, vệ tinh số 57 bị hủy diệt cùng với tất cả những người làm việc tại đó.

Trước Hội đồng du hành vũ trụ. Mơ-ven Ma-xơ trình bày nguyên nhân nội tâm thôi thúc anh làm thí nghiệm ấy: «Anh kể lại rằng từ thuở mới trưởng thành, anh đã cảm thấy sự trách móc của hàng triệu nấm mồ vô danh của những người bị thời gian khắc nghiệt đánh bại. Anh cảm thấy không thể nào yên tâm được nếu lần đầu tiên trong suốt lịch sử loài người và lịch sử các thế giới lân cận, anh không bước một bước trên con đường chiến thắng không gian và thời gian, không đặt dấu mốc đầu tiên trên con đường ấy… Anh thấy mình không có quyền để cho thí nghiệm bị đẩy chậm lại, có thể là chậm lại một trăm năm, chỉ cốt tránh cho một số ít người khỏi bị nguy hiểm, và cho mình khỏi phải chịu trách nhiệm». Thí nghiệm tuy chưa thành công và có gây ra thiệt hại, nhưng nó mở ra một con đường mới, như một nhân vật là Đa-rơ Vê-te đã nghĩ: «Đa-rơ Vê-te khâm phục tư tưởng táo bạo của Ren Bô-dơ và Mơ-ven Ma-xơ. Dù cho thí nghiệm của họ không thành công, dù cho vấn đề họ nêu ra — cái vấn đề đụng chạm đến nền tảng của vũ trụ — còn xa mới giải quyết được, dẫu rằng vấn đề ấy chỉ là một điều hoang tưởng sai lầm đi nữa, thì những con người điên rồ ấy vẫn là những bậc khổng lồ của tư tưởng sáng tạo của loài người bởi vì ngay cả trong việc tìm cách bác bỏ lý thuyết và thí nghiệm của họ, nhân loại cũng sẽ đi tới một bước nhảy vọt trong việc tìm kiếm kiến thức». Tác giả muốn nói với ta rằng sự điên rồ của hai nhà bác học này là «sự điên rồ của những người dũng cảm», như M.

Goóc-ki đã viết trong «Bài ca chim ưng». Đối lập với Mơ-ven Ma-xơ, nhà bác học có bản chất tình cảm phong phú, Bét Lon là «một trí tuệ tài giỏi, phát triển thái quá đến mức chèn lấn cả sự phát triển của nền tảng đạo đức và sự tự kiềm chế». Bét Lon cũng làm một thí nghiệm bị cấm, và thí nghiệm cũng thất bại, gây tổn hại lớn. Hai trường hợp bề ngoài giống nhau, nhưng khác nhau biết bao nhiêu! Một bên là hành động xuất phát từ ý thức trách nhiệm đầy đủ đối với sự tiến bộ của của khoa học, của loài người, một bên là hành động ích kỷ, ương bướng, xuất phát từ động cơ tự ái cá nhân. Ở đây, ta thấy tác giả bảo vệ việc những người đi tìm cái mới được quyền mắc sai lầm. Lịch sử phát triển của khoa học không phải là một chuỗi những thành công, mà còn gắn liền với những sai lầm, những thất bại. Và trong tương lai, công cuộc tìm kiếm những con đường nhận thức mới không thể tránh khỏi sai lầm. Điều quan trọng là ý thức trách nhiệm đầy đủ của nhà bác học, là «giá trị thực của hành động của họ… đối chiếu với cái mặt trái tai hại mà mỗi hành động, mỗi biện pháp đều phải có». Chính đó là cái phân biệt thí nghiệm thất bại của Mơ-ven Ma-xơ và Ren Bô-dơ với thí nghiệm của Bét Lon.

Việc khoa học ngày càng xâm nhập vào mọi lãnh vực của đời sống và có vai trò ngày càng lớn trong sinh hoạt xã hội đôi khi cũng đẻ ra một số hiện tượng tiêu cực: khuynh chỉ biết có kỹ thuật, đề cao sự chuyên môn hóa một chiều mà coi rẻ những mặt khác của đời sống tinh thần phông phú của con người, coi rẻ thế giới tình cảm muôn màu muôn vẻ, những cảm xúc thẩm mỹ tinh tế trong sự cảm thụ cái đẹp. Điều đó dẫn tới chỗ «vương quốc của lô-gích» đè bẹp «nền văn hóa của tình yêu» mà chính là nhờ có «văn hóa của tình yêu» mà con người đứng cao hơn loài vật. Khi thế giới cảm xúc, khả năng thẩm mỹ của con người bị chèn lấn thì điều đó ảnh hưởng xấu ngay đến những khả năng trí tuệ của con người, mặt khác nó dẫn đến sự còi cọc, sự quái gở về mặt đạo đức.

Dường như để tranh luận với khuynh hướng thực dụng thô thiển, với khuynh hướng kỹ thuật một chiều, trong tác phẩm này, nhà văn luôn đề cao bản chất giàu cảm xúc của các nhân vật, nêu bật lên những vấn đề đạo đức — thẩm mỹ của sự phát triển cá tính, của văn hóa, sự gắn bó của con người với các thế kỷ trước, với thiên nhiên sinh động. Ông khẳng định nhân loại trước hết là lịch sử của sự phát triển cá tính có đạo đức lành mạnh, ông khẳng định cái đẹp là tiêu chuẩn đáng tin cậy nhất của sự tiến hóa, vì cái đẹp chính là cái hợp lý, là biểu hiện của sự hoàn mỹ. Cái đẹp không phải là một mặt riêng biệt của sự sống, mà là cơ sở phát triển của nó. Trong một buổi nhận thông điệp từ vũ trụ, trước những cơ thể đầy vẻ đẹp hoàn mỹ của người trên hành tinh của sao Đỗ-quyên, Đa-rơ Vê-te suy nghĩ: «Con đường tiến hóa mù quáng của động vật để trở thành sinh vật biết suy nghĩ càng khó khăn và lâu dài, thì các hình thức cao nhất của sự sống càng hợp lý và hoàn hảo, tức là càng đẹp… Từ lâu, người Trái đất đã biểu hiện vẻ đẹp chính là tính hợp lý của cấu tạo, của sự thích ứng với với một chức năng nhất định. Chức năng càng nhiều mặt thì hình thức càng đẹp…». Và anh kết luận là họ đẹp hơn người Trái đất, vì họ đã qua con đường con đường phát triển phức tạp hơn chúng ta».

Ở một chỗ khác trong tác phẩm, tác giả cho họa sỹ Các-tơ Xan trình bày ý nghĩ này dưới góc độ hơi khác: Tính hợp lý chính là vẻ đẹp, mà mà không có cái đẹp thì tôi không thấy hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống…».

Đọc «Tinh vân Tiên nữ», chúng ta thấy đây không chỉ là tác phẩm hư cấu về tương lai, mà còn đầy tính chất thời sự. Nó bày tỏ mối lo lắng về hậu quả của cuộc cách mạng Khoa học Kỹ thuật thời nay, nó tranh luận một cách nghiêm chỉnh, sâu sắc về hiện thực của thế giới ngày nay. Nó buộc chúng ta phải xúc động và suy nghĩ về việc chúng ta phải làm gì để đi vào ngày mai của chúng ta.

Tính lãng mạn đầy thi vị kết hợp với tính khoa học, với cơ sở hiện thực và ý nghĩa xã hội bao quát, sâu sắc khiến cho «Tinh vân Tiên nữ» trở thành tác phẩm đánh dấu một bước ngoặt trong sự phát triển của thể Khoa học viễn tưởng Xô-viết. Chúng tôi tin chắc rằng tác phẩm này sẽ được bạn đọc nước ta nhiệt liệt hoan nghênh.

Một điều nữa cần nói thêm là trong tác phẩm này, nhà văn dùng rất nhiều thuật ngữ khoa học thuộc đủ mọi ngành: Vật lý, Thiên văn, Toán học, Di truyền học, Y học… điều đó đôi khi cũng gây khó khăn cho người đọc. Nhưng, như nhà văn đã trình bày trong «Lời tác giả» (ở bản Tiếng Nga), đấy không phải là «sự sơ xuất hay không muốn giải thích những cách diễn đạt phức tạp. Mà tôi cho rằng chỉ có cách ấy mới có thể tô đậm màu sắc tương lai cho lời ăn tiếng nói và hành động của những con người ở một thời đại mà khoa học đã ăn sâu vào mọi khái niệm, mọi quan niệm và ngôn ngữ».

Do đặc điểm trên đây của tác phẩm, việc dịch sang Tiếng Việt cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi dịch các thuật ngữ khoa học. Vì vậy, Nhà xuất bản mong nhận được sự góp ý của bạn đọc để giúp cho bản dịch được tốt hơn trong các lần xuất bản sau này.


Nhà Xuất Bản Lao Động

Загрузка...