Chương 6. TRUYỀN THUYẾT VỀ NHỮNG MẶT TRỜI MÀU XANH

Bác sĩ Lu-ma La-xvi và nhà sinh vật học Ê-ôn Tan từ căn buồng bệnh viện đi ra. Éc-gơ No-rơ đâm bổ đến gặp họ.

— Nhi-da thế nào rồi?

— Còn sống, nhưng…

— Đang hấp hối phải không?

— Hiện thời thì chưa. Bị tê liệt hoàn toàn. Tất cả các thân tủy sống, hệ thần kinh phó giao cảm[40], các trung tâm liên tưởng và trung tâm cảm giác đều bị tổn thương. Hơi thở hết sức chậm, nhưng vẫn đều. Tim đập một trăm giây một lần. Chưa phải chết nhưng là tình trạng suy trụy[41] toàn thân, có thể kéo dài vô thời hạn.

— Mất ý thức và không biết đau chứ?

— Đúng.

— Tuyệt đối không biết gì chứ? — Ánh mắt của trưởng đoàn có vẻ khe khắt và sắc sảo, nhưng bác sĩ không bối rối.

— Tuyệt đối không!

Éc-gơ No-rơ nhìn nhà sinh vật học với vẻ dò hỏi. Ê-ôn Tan gật đầu xác nhận.

— Chị định thế nào?

— Giữ cho nhiệt độ không đổi, tuyệt đối yên tĩnh, ánh sáng mờ. Nếu tình trạng suy trụy không trầm trọng thêm thì… Chẳng qua là một giấc ngủ… Cho đến khi về đến Trái đất… Khi ấy sẽ đưa vào Viện Dòng điện thần kinh. Thương tổn là do một loại điện gì đó gây nên. Bộ giáp bị thủng ba chỗ. May mà cô ấy hầu như không thở.

— Tôi đã thấy những chỗ thủng và dùng thuốc dán đắp lại — nhà sinh vật học nói.

Éc-gơ No-rơ nắm chặt phía trên khuỷu tay anh, lặng lẽ biểu lộ lòng biết ơn.

— Thế nhưng… Lu-ma lên tiếng — tốt hơn hết là nên mau mau rời khỏi nơi có trọng lực lớn…

Thêm nữa, điều nguy hiểm nhất chưa phải là gia tốc bay lên, mà là khi trở lại trọng lực bình thường.

— Tôi hiểu: chị sợ mạch sẽ chậm hơn nữa. Nhưng nhịp tim mạch không phải là con lắc tăng nhanh dao động khi trường hấp dẫn mạnh lên.

— Nhịp đập của mạch trong cơ thể nói chung cũng tuân theo quy luật như thế. Nếu nhịp đập của tim chậm đi hai lần — tức là hai trăm giây một lần — thì lượng máu cung cấp cho não sẽ không đủ, và…

Éc-gơ No-rơ mải suy nghĩ đến nỗi quên những người xung quanh, lúc này anh mới bừng tỉnh và buông một tiếng thở dài.

Các bạn đồng sự kiên nhẫn chờ đợi.

— Nếu đặt cơ thể dưới áp suất cao, trong không khí giàu ô-xy thì có thể giải quyết được không? — Trưởng đoàn hỏi một cách thận trọng, và thấy Lu-ma La-xvi và Ê-ôn Tan mỉm cười hân hoan, anh hiểu rằng ý nghĩ của anh là đúng đắn.

— Làm máu bão hòa khí dưới áp suất riêng[42] ở mức cao, sáng kiến rất hay… Cố nhiên chúng ta sẽ có những biện pháp chống nghẽn mạch[43], khi đó hai trăm giây một lần đập cũng không sao. Rồi dần dần được điều chỉnh lại…

Ê-ôn phô ra những chiếc răng to và trắng dưới hàng ria mép đen, lập tức khuôn mặt nghiêm nghị của anh trở nên trẻ trung và vui vẻ lạ thường.

— Cơ thể vẫn vô tri vô giác, nhưng vẫn sống — Lu-ma nói với vẻ nhẹ nhõm — chúng tôi sẽ sửa soạn buồng. Tôi muốn dùng cái hòm lớn bằng si-li-côn định để đựng những vật sưu tập trên Diếc-đa. Ta sẽ đặt vào đó chiếc ghế bành nổi mà chúng ta sẽ biến nó thành giường trong lúc tàu rời khỏi hành tinh. Sau khi hết gia tốc, ta sẽ thu xếp chỗ nằm ổn định cho Nhi-da.

— Khi nào chuẩn bị xong thì báo ngay về trạm. Chúng ta sẽ không trì chậm một phút. Xin kiếu bóng tối và trọng lực của hành tinh đen!

Mọi người vội vã về các ngăn tàu, mỗi người đều gắng sức đấu tranh với sức hút nặng nề của hành tinh đen.

Những tín hiệu khởi hành gầm lên khúc điệu chiến thắng. Lòng tràn ngập cảm giác nhẹ nhõm chưa từng thấy vì được giải phóng, mọi người trao mình vào những cánh tay ôm mềm mại của những chiếc ghế bành dùng khi cất cánh — hạ cánh. Nhưng bay lên khỏi hành tinh nặng là một việc khó khăn, nguy hiểm. Gia tốc để tàu thoát khỏi hành tinh nằm ở giới hạn sức chịu đựng của con người, và sai lầm của người điều khiển tàu có thể làm cho toàn đội hy sinh.

Trong tiếng gầm kinh khủng của các động cơ liên hành tinh, Éc-gơ No-rơ điều khiển con tàu bay theo đường tiếp tuyến với phương nằm ngang. Những tay đòn của ghế bành thủy động mỗi lúc một lún sâu do trọng lực tăng lên. Chúng sắp sửa xuống đến giá chặn, và khi ấy, dưới sức nén của gia tốc, những khúc xương người mỏng manh sẽ vỡ nát như bị tán trên đe. Hai bàn tay của trưởng đoàn đặt lên những nút bấm của các khí cụ bỗng nặng đến mức không nhấc lên được nữa. Nhưng các ngón tay vẫn làm việc, và «Tan-tơ-ra» vạch một đường cong khổng lồ dốc thoai thoải, mỗi lúc một lên cao, rời khỏi bóng tối dày đặc, đi vào khoảng đen ngòm trong suốt của không gian vô tận. Éc-gơ No-rơ không rời mắt khỏi cái vạch đỏ của máy giữ thăng bằng nằm ngang: cái vạch đỏ lắc lư trong trạng thái cân bằng không bền, chứng tỏ con tàu sẵn sàng chuyển từ chuyển động đi lên sang chuyển động xuống thấp theo quĩ đạo rơi. Hành tinh nặng vẫn chưa buông tha «Tan-tơ-ra». Éc-gơ No-rơ quyết định mở các động cơ a-na-mê-dôn có khả năng đưa con tàu thoát khỏi bất cứ hành tinh nào. Sức rung kèm theo tiếng nổ âm vang khiến con tàu giật nảy lên. Cái vạch đỏ lên cao thêm mười mi-li- mét so với vạch không. Thêm một chút nữa…

Qua ống kính nhìn phía trên thân tàu, trưởng đoàn thám hiểm nhìn thấy «Tan-tơ-ra» bị phủ một lớp lửa mỏng màu xanh nhạt chậm chạp chảy về phía đuôi tàu. Khí quyển bị chọc thủng.

Theo định luật siêu dẫn, trong chân không, những dòng điện dư chảy ngay trên thân tàu.

Các vì sao lại hiện lên rõ nét, và «Tan-tơ-ra» được giải thoát, bay mỗi lúc một xa hành tinh đáng sợ. Sức hút mỗi giây mỗi giảm bớt. Cơ thể mỗi lúc một nhẹ. Máy tạo sức hấp dẫn bắt đầu ngân nga, và sau những ngày dài lê thê sống dưới sức ép của hành tinh đen, sức hút bình thường như ở Trái đất có vẻ quá nhỏ. Mọi người bật dậy khỏi ghế bành. In-gơ-rít, Lu-ma và Ê-ôn nhảy những bước khó nhất của một điệu vũ kỳ dị. Nhưng chẳng mấy chốc, cái phản ứng không tránh khỏi đã xảy đến, và phần lớn đoàn thám hiểm say sưa trong giấc ngủ ngắn để tạm nghỉ ngơi. Chỉ có Éc-gơ No-rơ, Pen Lin, Pua Hít-xơ và Lu-ma La-xvi là còn thức.

Cần phải tính toán hành trình tạm thời của con tàu, tránh vành đai băng và thiên thạch bằng cách vạch một cung khổng lồ vuông góc với mặt phẳng quay của toàn bộ hệ thống sao T.

Sau đó, có thể làm cho tàu đạt tới tốc độ bình thường gần bằng tốc độ ánh sáng và bắt tay vào công việc lâu dài để xác định hành trình thực. Bác sĩ săn sóc tình trạng sức khỏe của Nhi-da sau khi con tàu bay lên và trọng lực trở lại bình thường đối với người Trái đất. Chẳng bao lâu, chị đã báo cho mọi người yên tâm rằng thời gian ngừng giữa các lần mạch đập bằng một trăm mười giây. Trong không khí giàu ô-xy, như vậy chưa phải là chết. Lu-ma La-xvi đề nghị dùng đèn ti-ra-trôn[44] là dụng cụ điện tử kích thích hoạt động của tim và dùng các thuốc kích thích cơ thể[45].

Sức rung của các động cơ a-na-mê-dôn làm cho thành tàu rên rỉ trong năm mươi nhăm tiếng đồng hồ, cho đến khi máy tính chỉ tốc độ chín trăm bảy mươi triệu ki-lô-mét một giờ, gần dến giới hạn an toàn. Sau hai mươi tư giờ Trái đất, khoảng cách đến ngôi sao sắt tăng thêm hơn hai mươi tỷ ki-lô-mét. Thật khó diễn tả được cảm giác nhẹ nhõm mà tất cả mười ba người du hành đều cảm thấy sau những thử thách nặng nề: một hành tinh bị hủy diệt, con tàu «An-gráp» mất tích và cuối cùng là vầng Mặt trời đen khủng khiếp. Niềm sung sướng vì được giải phóng chưa phải là đã toàn vẹn: đoàn viên thứ mười bốn, cô gái trẻ Nhi-da Cờ-rít nửa ngủ nửa chết, nằm bất động trong một chỗ được ngăn riêng ra ở buồng bệnh xá…

Năm phụ nữ trên tàu: In-gơ-rít, Lu-ma, kỹ sư điện tử thứ hai, một nhà địa chất và I-ô-nhê Ma-rô, giáo viên thể dục có nhịp điệu kiêm cả trách nhiệm phân phối thức ăn, điều vận không khí và sưu tập tài liệu khoa học — năm người tụ tập lại để cử hành tang lễ theo lối cổ.

Thân thể Nhi-da hoàn toàn bỏ hết xống áo, được tắm rửa bằng thứ dung dịch đặc biệt TM và AC…. đặt nằm trên tấm thảm dày đan tay bằng bọt biển Địa-trung-hải. Tấm thảm đặt trên đệm không khí, tất cả đậy trong cái chụp nóc vòm bằng si-li-côn hồng. Một khí cụ chính xác — nhiệt áp dưỡng kế[46] — có thể duy trì nhiệt độ, áp suất, chế độ không khí cần thiết trong nhiều năm ở bên trong cái chụp dày. Những mấu mềm bằng cao su giữ Nhi-da ở một vị trí nhất định. Bác sĩ Lu-ma định cứ một tháng một lần lại thay đổi thế nằm của cô. Sợ nhất là chứng thối thịt có thể xảy ra do nằm lâu ở một tư thế bất động. Vì thế Lu-ma quyết định phải coi giữ thi thể Nhi-da và chị từ chối giấc ngủ dài trong hai năm đầu của cuộc hành trình sắp tới. Toàn thân Nhi-da vẫn cứng đờ. Thành công duy nhất mà Lu-ma La-xvi đạt được là đưa nhịp đập của mạch lên một lần một phút. Thành công dù nhỏ nhặt, nhưng nó cho phép loại trừ sự bão hòa ô-xy nguy hại cho phổi.

Bốn tháng đã trôi qua. Con tàu đi theo hướng đúng, đã được tính toán chính xác, tránh được vùng có những thiên thạch tự do. Mệt nhoài vì những chuyện bất trắc xảy ra và vì phải làm việc quá sức, đoàn thám hiểm ngủ li bì trong thời gian bảy tháng. Lần này không phải ba người, mà là bốn người thức: cùng tham gia trực với Éc-gơ No-rơ và Pua Hít-xơ còn có cả Lu-ma La-xvi và nhà sinh vật học Ê-ôn Tan.

Sau khi thoát khỏi tình trạng khó khăn nhất mà các con tàu vũ trụ của Trái đất từng gặp phải từ xưa đến giờ, trưởng đoàn thám hiểm cảm thấy mình cô độc. Lần đầu tiên anh cảm thấy bốn năm trên đường về dường như dài vô tận. Anh không muốn tự dối mình, vì chỉ có về đến Trái đất, anh mới có hy vọng cứu sống Nhi-da của anh.

Anh cứ hoãn mãi cái việc mà đáng lẽ anh sẽ làm ngay hôm sau, khi tàu rời khỏi hành tinh: đó là việc xem các cuốn phim điện tử hình nổi lấy ở «Cánh buồm». Éc-gơ No-rơ muốn cùng với Nhi-da xem và nghe những điều mới lạ về những thế giới tuyệt đẹp, về những hành tinh của ngôi sao xanh, về những đêm hè Trái đất. Anh muốn Nhi-da cùng với anh đi đến hiện thực những ước mơ lãng mạn táo bạo nhất của quá khứ và hiện tại: khám phá ra những thế giới mới của các ngôi sao, những hòn đảo xa xôi trong tương lai của nhân loại…

Phim được bảo quản rất tốt, tuy là quay từ tám mươi năm trước, ở một nơi cách xa Mặt trời tám pác-xếc và để trong con tàu bỏ ngỏ trên hành tinh đen của ngôi sao T. Cái màn ảnh bán cầu làm nổi hình đưa bốn người xem của «Tan-tơ-ra» đến khu vực có ngôi sao Chức-nữ màu da trời rực rỡ ánh hào quang chói lọi ở trên cao, phía trên đầu họ.

Những cảnh ngắn thay thế nhau một cách mau lẹ: một thiên thể màu thanh thiên chói vụt hiện ra, và tiếp đó là những khuôn hình quay nhanh và cẩu thả về sinh hoạt trong con tàu.

Trưởng đoàn thám hiểm trẻ lạ lùng, khoảng hai mươi tám tuổi, đang sử dụng máy tính, những nhà thiên văn còn trẻ hơn đang quan sát. Đây là những trò chơi thể thao bắt buộc hàng ngày và những điệu vũ mà các đoàn viên thám hiểm đã đưa lên tới mức độ hoàn mỹ của nghệ thuật nhào lộn. Một giọng giễu cợt giải thích rằng các nhà sinh vật học chiếm giải nhất trên suốt quãng đường tới sao Chức-nữ. Thực vậy, cô gái có bộ tóc vàng hoe ấy biểu diễn những bài tập khó nhất và những động tác uốn khó tưởng tượng của tấm thân phát triển kỳ diệu của mình.

Nhìn những hình ảnh rực rỡ, hoàn toàn thực của cái màn ảnh bán cầu giữ được những sắc thái thật về độ sáng, người ta bất giác quên rằng những nhà du hành vũ trụ trẻ tuổi tươi vui, đầy nghị lực này đã bị những con quái vật ghê tởm của ngôi sao sắt ăn thịt từ lâu.

Bộ phim thời sự ít ỏi về sinh hoạt của đoàn thám hiểm phút chốc đã hết. Các bộ phận tăng cường ánh sáng trong máy chiếu bắt đầu kêu vo vo: một thiên thể màu tím sáng đến nỗi ở đây, ánh sáng phản quang mờ nhạt của nó trên màn ảnh cũng khiến mọi người phải đeo kính bảo vệ. Ngôi sao khổng lồ có đường kính và khối lượng lớn gần gấp ba Mặt trời, hình thể rất bẹt, quay như điên cuồng, tốc độ xích đạo là ba trăm ki-lô-mét một giây. Quả cầu khí này sáng không thể tả được, nhiệt độ bề mặt lên tới mười một ngàn độ, nó xòe ra những cánh lửa màu hồng ngọc dài tới hàng triệu ki-lô-mét. Những tia sáng của Chức-nữ dường như xuyên thủng và phá tan mọi thứ trên đường đi của mình. Chúng bay trong không gian như những cây mác khổng lồ dài hàng triệu ki-lô-mét. Hành tinh gần nhất của ngôi sao xanh bị che lấp trong ánh hào quang của những tia sáng ấy. Nhưng không một con tàu nào của Trái đất hay của một hành tinh lân cận trong Vành-khuyên có thể xông vào cái đại dương lửa này. Hình ảnh được thay thế bởi một báo cáo bằng lời về những gì đã quan sát được, và trên màn ảnh xuất hiện những đường mờ ảo của những hình không gian miêu tả vị trí của hành tinh thứ nhất và thứ hai của Chức-nữ. «Cánh buồm» không thể đến gần ngay cả hành tinh thứ hai ở cách ngôi sao một trăm triệu ki-lô-mét.

Những đám lửa phun[47] quái đản vọt ra từ đáy cái dại dương lửa màu tím trong suốt. Đại dương lửa ấy là bầu khí quyển của ngôi sao, nó dang ra trong không gian những cánh tay đốt cháy tất cả. Năng lượng của Chức-nữ lớn đến nỗi ngôi sao phát ra ánh sáng có lượng tử[48] mạnh nhất thuộc phần tím và phần không thấy của quang phổ. Ngay cả khi mắt người đã được bảo vệ bằng kính lọc ba lớp, ánh sáng của nó vẫn gây ra một cảm giác ghê rợn về một cái gì hư ảo, một bóng ma vô hình, nguy hiểm chết người… Những cơn bão ánh sáng bay đi, thắng sức hút của ngôi sao. Dư âm xa xăm của chúng xô đẩy «Cánh buồm» và làm con tàu chao lắc một cách nguy hiểm. Những máy đếm các tia vũ trụ và các loại bức xạ cứng khác không chịu làm việc. Bên trong con tàu được bảo vệ chắc chắn, mức i-ôn hóa bắt đầu tăng lên đến mức nguy hiểm. Chỉ có thể phỏng đoán về sự dữ dội của năng lượng bức xạ đang ào ạt tuôn thành dòng thác khủng khiếp vào khoảng không gian chân không ở ngoài thành con tàu, và như vậy là hàng tỷ tỷ ki-lô-oát bị hao phí vô ích.

Trưởng đoàn thám hiểm tàu «Cánh buồm» thận trọng đưa con tàu tới gần hành tinh thứ ba, một hành tinh lớn, nhưng chỉ có một lớp khí quyển mỏng, trong suốt. Có lẽ hơi thở rực lửa của ngôi sao xanh đã thổi bay những khí nhẹ, biến lớp khí đó thành cái đuôi dài lê thê sáng mờ mờ ở phía sau hành tinh, bên mặt tối của nó. Hơi flo có tác dụng phá hoại, khí ô-xýt các-bon rất độc, mật độ dày đặc của khí trơ: không một sinh vật nào của Trái đất có thể sống nổi lấy một giây trong bầu khí quyển ấy.

Từ lòng hành tinh mọc chồi lên những đỉnh, những chóp nhọn, những bức tường dựng đứng, khấp khểnh của những khối đá đỏ như vết thương mới hay đen ngòm như vực thẳm.

Trên những bình sơn nguyên tạo nên bởi dung nham núi lửa và luôn luôn bị những cơn lốc hung cuồng quét qua, có thể thấy những kẽ nứt và những chỗ sụt lở phun ra mắc-ma[49] nóng rực, nom như những mạch lửa đỏ lòm.

Những đám mây tro dầy đặc bốc cao, xanh lè ở phía được chiếu sáng, đen kịt ở phía tối.

Những làn chớp khổng lồ dài hàng nghìn ki-lô-mét phóng về mọi hướng, chứng tỏ độ bão hòa điện của bầu khí quyển chết.

Cái bóng ma màu tím đáng sợ của vầng Mặt trời khổng lồ, bầu trời đen bị che lấp một nửa sau vầng hào quang lấp lánh màu xà-cừ, còn bên dưới, trên hành tinh là những hình bóng đỏ thắm tương phản với những khối đá hỗn độn, hoang vu là những rãnh, những đường uốn những vòng tròn rực lửa, những tia chớp màu lá mạ không ngừng lóe lên…

Những kính viễn vọng hình nổi truyền ảnh về, còn các phim điện tử ghi lại những cảnh đó với sự chính xác thản nhiên phi thường.

Nhưng đằng sau các khí cụ là tình cảm sinh động của những nhà du hành vũ trụ: sự phản kháng của lý trí chống lại những lực lượng phá hoại vô nghĩa và chống lại sự tích tụ vật chất ngừng trệ, ý thức về tính chất thù địch của thế giới lửa vũ trụ cuồng loạn này. Bị thôi miên bởi cảnh tượng kỳ lạ ấy, bốn người đưa mắt nhìn nhau tỏ vẻ tán thành, trong khi đó tiếng nói cho biết «Cánh buồm» bay tới hành tinh thứ tư.

Mấy giây sau, hành tinh cuối cùng ở ngoài rìa sao Chức-nữ, kích thước gần bằng Trái đất, đã to hẳn lên qua kính viễn vọng ở bụng tàu. «Cánh buồm» xuống thấp hẳn. Rõ ràng những nhà du hành vũ trụ đã quyết định dù thế nào cũng phải nghiên cứu hành tinh cuối cùng, vì nó là hy vọng cuối cùng về việc khám phá ra một thế giới tuy không tráng lệ nhưng ít ra cũng thích hợp cho sự sống.

Éc-gơ No-rơ bắt gặp mình đang thầm nhắc lại trong óc cái tiếng đó: «ít ra». Có lẽ đây cũng là ý nghĩ của những người đang điều khiển «Cánh buồm» và quan sát bề mặt hành tinh qua những kính viễn vọng mạnh.

«Ít ra!… «. Những tiếng ấy chứa đựng lời vĩnh biệt niềm mơ ước về những thế giới tuyệt đẹp của sao Chức-nữ, niềm mơ ước tìm thấy những hành tinh ngọc dưới đáy đại dương vũ trụ bao la. Chính vì mục đích ấy mà những người Trái đất tự nguyện giam mình đã bốn mươi nhăm năm trong con tàu vũ trụ và xa rời hành tinh quê hương trong hơn sáu mươi năm.

Nhưng, mải mê với những cảnh tượng lạ, Éc-gơ No-rơ không nghĩ ngay đến điều đó. Cái màn ảnh bán cầu đưa anh bay vùn vụt phía trên bề mặt của hành tinh xa vô hạn. Thực là đau xót cho những nhà du hành vũ trụ — cả những người đã khuất trên con tàu kia và những người sống trên con tàu này — hành tinh này giống như hành tinh gần Trái đất nhất trong hệ Mặt trời mà mọi người đều biết từ thuở ấu thơ: đó là Hỏa-tinh. Cũng lớp vỏ khí mỏng trong suốt như thế với bầu trời màu lục tối, không bao giờ có mây, cũng cái bề mặt bằng phẳng của những lục địa hoang vắng với những dãy núi sụt lở. Có điều trên Hỏa-tinh thì ban đêm lạnh kinh người và ban ngày nhiệt độ vọt lên đột ngột. Ở đây có những đầm lầy nhỏ, giống như những vũng nước khổng lồ đã bốc hơi đến gần như khô cạn hẳn, họa hoằn có một trận mưa hay một đợt sương muối thưa thớt. Sự sống không đáng kể: chỉ có những giống thực vật cứng queo và những động vật kỳ lạ, yếu ớt lẩn sâu trong đất.

Ở đây, ngọn lửa hoan hỉ của vầng Mặt trời xanh làm cho cả hành tinh bốc hơi như những sa mạc nóng nhất trên Trái đất. Một lượng hơi nước không đáng kể bốc lên tới những lớp trên của vỏ khí quyển, còn những đồng bằng mênh mông có bóng rợp chỉ là những cơn lốc của các dòng nhiệt không ngừng khuấy đảo bầu khí quyển. Hành tinh quay cũng nhanh như tất cả những hành tinh kia. Nhiệt độ lạnh ban đêm làm cho đá vỡ nát thành một biển cát. Cát màu da cam, màu tím, màu lục, màu xanh da trời nhạt hay trắng lóa làm thành những vệt khổng lồ tràn ngập hành tinh, từ xa nom như biển hay những bụi cây hoang đường. Những dãy núi cao sụt lở, cao hơn núi trên Hỏa-tinh, nhưng cũng không sinh khí như thế, phủ một lớp vỏ đen nhánh hay nâu. Vầng Mặt trời xanh có bức xạ tử ngoại cực mạnh đã phá hủy những khoáng vật, làm bay hơi những nguyên tố nhẹ.

Những đồng bằng cát màu sáng dường như tự phát ra lửa. Éc-gơ No-rơ nhớ lại rằng hồi xưa, khi các nhà bác học chưa chiếm số đông trong dân cư Trái đất, mà mới chỉ là một nhóm rất nhỏ, thì các nhà văn và các nghệ sĩ thường mơ ước về những người sống được ở nhiệt độ cao trên các hành tinh khác. Mơ ước đó vừa thi vị vừa đẹp, nó nâng cao niềm tin vào sức mạnh của bản chất con người. Những người sống trong hơi thở rực lửa của các hành tinh của ngôi sao xanh đón tiếp những người anh em Trái đất của mình!… Ở các nhà bảo tàng trung tâm Phương Đông của vành đai dân cư miền Nam. Có một bức tranh đã làm nhiều người xúc động, kể cả Éc-gơ No-rơ: một đồng bằng rực lửa mờ dần đi ở phía chân trời, bầu trời xám cháy rực và ở bên dưới là những hình người không có mặt, mặc y phục bảo vệ chống nhiệt.

Hình bóng xanh đen của họ đậm nét lạ thường. Họ đứng im trong tư thế rất năng động và đầy vẻ ngạc nhiên. Đối diện với họ là một góc công trình xây dựng gì đó bằng kim loại bị nung gần như tới mức nóng trắng. Bên cạnh đó là một phụ nữ khỏa thân, mái tóc đỏ buông xõa. Trong ánh sáng chói lòa, nước da chị còn ngời sáng hơn cả ánh cát lấp lánh, những vệt bóng tối màu hoa cà và màu son càng tôn thêm từng đường nét của cái thân hình cao, cân đối đứng hiên ngang như ngọn cờ chiến thắng của sự sống đối với những lực lượng của vũ trụ.

Niềm mơ ước táo bạo, nhưng hoàn toàn phi hiện thực, mâu thuẫn với mọi quy luật phát triển sinh vật. Bây giờ, trong thời đại Vành-khuyên, người ta nhận thức những quy luật ấy sâu sắc hơn nhiều so với thời đại họa sĩ vẽ bức tranh.

Éc-gơ No-rơ giật mình khi bề mặt của hành tinh tiến vùn vụt về phía anh. Trên màn ảnh, một người lái tàu không quen biết đưa «Cánh buồm» xuống thấp. Những khối cát hình nón, những khối đá màu đen, những sa khoáng của các tinh thể màu lá mạ óng ánh, không rõ là các tinh thể gì, lướt qua trước mắt nom rất gần. Con tàu lượn theo đường xoáy ốc một cách khéo léo, bay vòng quanh hành tinh từ cực nọ tới cực kia. Không một dấu hiệu nào chứng tỏ là có nước hay ít ra là một đời sống thực vật đơn sơ nhất. Lại phải dùng đến tiếng «ít ra» rồi!… Nỗi buồn chợt đến, nỗi buồn cô đơn của con tàu mất hút ở nơi xa xăm không có sự sống nằm dưới quyền lực của ngôi sao xanh rực lửa… Éc-gơ No-rơ cảm thấy anh cùng chung niềm hy vọng với những người đã quay phim, quan sát hành tinh để tìm lấy những vết tích của sự sống, dù là sự sống ấy đã đi vào dĩ vãng. Người nào đã bay tới các hành tinh hoang vu không có sự sống, không có nước và khí quyển đều biết rất rõ việc tìm kiếm căng thẳng ấy: họ tưởng chừng tìm thấy những đống đổ nát, những di tích của các thành phố và các công trình xây dựng, nhưng té ra đấy là những hình dạng ngẫu nhiên của các vết nứt và các khối đá biệt lập, là những vực thẳm, những quả núi chưa bao giờ biết đến sự sống!

Mặt đất của thế giới xa xăm lướt nhanh trên màn ảnh: nó bị đốt cháy, bị quần nát dưới những cơn lốc hung cuồng và không có qua một vệt bóng rợp. Éc-gơ No-rơ biết rõ rằng mơ ước ngàn đời đã đổ sụp, anh cố nghĩ xem vì sao có thể nảy sinh cái quan niệm sai lạc như thế về những thế giới bị đốt cháy của ngôi sao xanh.

— Anh em ta ở Trái đất sẽ thất vọng khi được biết tin này — nhà sinh vật học nhích lại gần trưởng đoàn, khẽ nói — Mấy nghìn năm qua, hàng triệu người Trái đất đã nhìn lên Chức-nữ.

Trong những đêm hè phương Bắc, tất cả những người trẻ tuổi đang yêu và mơ ước đều nhìn lên bầu trời. Về mùa hè, sao Chức-nữ sáng ngời, xanh lam, cao vòi vọi, gần như ở ngay trên đỉnh trời, không mê thích nó sao được? Hàng nghìn năm trước, người ta đã biết khá nhiều về các ngôi sao. Theo một hướng suy nghĩ lạ lùng, họ không hề ngờ rằng hầu như mỗi ngôi sao đều quay chậm và có từ trường mạnh đều có hành tinh, cũng như hầu như các hành tinh đều có vệ tinh. Họ không biết quy luật đó, nhưng họ mơ ước về những người anh em ở các thế giới khác và trước hết là ở gần sao Chức-nữ, vầng Mặt trời xanh. Tôi nhớ đến những vần thơ rất đẹp dịch từ một thứ ngôn ngữ cổ, nói về những người bán thần của ngôi sao xanh.

— Tôi mơ ước về sao Chức-nữ từ sau khi được biết thông báo của «Cánh buồm» — trưởng đoàn quay về phía Ê-ôn Tan — Bây giờ mới thấy rõ rằng ước vọng từ một nghìn năm nay về những thế giới xa xăm tráng lệ đã che mắt tôi và vô số những người thông minh, nghiêm túc.

— Bây giờ anh đoán nhận như thế nào về ý nghĩa những thông báo của «Cánh buồm»?

— Đơn giản thôi. «Bốn hành tinh của Chức-nữ hoàn toàn không có sự sống. Không có gì đẹp hơn Trái đất của chúng ta. Được trở về thật hạnh phúc biết bao!».

— Anh đoán đúng! — Nhà sinh vật học kêu lên — Sao ta không nghĩ ra sớm nhỉ?

— Có lẽ người ta đã nghĩ ra, nhưng không phải là chúng ta, những nhà du hành vũ trụ, cũng không phải là Hội đồng. Song điều đó đem lại vinh dự cho chúng ta: ước mơ táo bạo chứ không phải là sự thất vọng hoài nghi chiến thắng trong cuộc sống!

Trên màn ảnh, cuộc bay vòng quanh hành tinh kết thúc. Tiếp đó đến những điều Trạm tự động ghi được (con tàu phóng trạm tự động để phân tích những điều kiện trên bề mặt hành tinh). Rồi một tiếng nổ cực mạnh: trái bom địa chất[50] đã được phóng ra. Một đám mây khổng lồ tạo nên bởi những mảnh khoáng chất rất nhỏ bốc cao tới tận con tàu. Các máy bơm rú lên, hút bụi vào trong những máy lọc của đường dẫn ở bên sườn tàu. Những bột khoáng vật có nguồn gốc từ cát và núi của hành tinh bị thiêu đốt đã chứa đầy vào các ống nghiệm bằng si-li-côn, còn không khí ở các lớp trên của khí quyển được chứa vào các bình thạch anh. «Cánh buồm» bắt đầu cuộc hành trình trở về lâu ba mươi năm, cuộc cuộc hành trình mà chẳng may nó đã không vượt được. Bây giờ, bạn đồng nghiệp của nó ở Trái đất đang mang về cho mọi người tất cả những gì mà các nhà du hành vũ trụ đã khuất từng phải tốn bao nhiêu công sức, phải kiên nhẫn và dũng cảm nhường ấy mới lấy được…

Phần ghi chép tiếp theo — sáu cuộn ghi những kết quả quan sát — nên dành cho những nhà thiên văn ở Trái đất nghiên cứu, còn phần quan trọng nhất thì thông báo đi trong Vành- khuyên vĩ đại.

Không ai muốn xem những cuộn phim về số phận sau đó của «Cánh buồm» — cuộc đấu tranh gian nan để sửa chữa những hư hại và đấu tranh với sao T, đặc biệt là cuộn ghi âm cuối cùng, đầy bi thảm. Những nguy hiểm mà bản thân họ vừa trải qua vẫn còn để lại ấn tượng quá mạnh. Họ quyết định hoãn cuộc chiếu phim lại cho đến khi toàn đội thức tỉnh. Mệt mỏi vì những ấn tượng đã qua, những người trực đi nghỉ, để trưởng đoàn ở lại Trạm trung tâm.

Éc-gơ No-rơ không nghĩ ngợi nữa về niềm mơ ước đã tan vỡ. Anh thử đánh giá những mẩu kiến thức cay đắng mà anh mang về cho nhân loại nhờ những cố gắng và hy sinh như thế của hai đoàn thám hiểm: đoàn «Cánh buồm» và đoàn của anh. Hay những thành tựu có vị cay đắng thì chúng đem lại sự thất vọng to lớn?

Lần đầu tiên, Éc-gơ No-rơ nghĩ về hành tinh quê hương mỹ lệ là kho báu vô tận về tâm hồn con người, những tâm hồn tinh tế, ham hiểu biết, được giải thoát khỏi những lo âu nặng nề và những nguy hiểm do thiên nhiên hay xã hội mông muội gây ra. Ngay cả bây giờ, trong thời đại Vành-khuyên những đau khổ, tìm kiếm, thất bại, sai lầm và thất vọng trước kia cũng vẫn còn, nhưng chúng được chuyển sang diện sáng tạo cao nhất trong kiến thức, trong nghệ thuật, trong công cuộc xây dựng. Chỉ nhờ kiến thức và lao động sáng tạo. Trái đất mới thoát khỏi những tai họa khủng khiếp là nạn đói, nạn di dân, bệnh truyền nhiễm, những giống vật có hại. Trái đất đã được cứu thoát khỏi tình trạng chết non và suy nhược. Và những mẩu kiến thức mà «Tan-tơ-ra» mang về cũng sẽ góp phần vào dòng tư tưởng mãnh liệt cứ sau mười năm lại tạo nên một bước tiến mới trong việc tổ chức xã hội và nhận thức thiên nhiên!



Éc-gơ No-rơ mở cái tủ sắt đựng nhật ký của «Tan-tơ-ra» và lấy ra cái hộp nhỏ đựng miếng kim loại lấy ở con tàu vũ trụ hình đĩa trên hành tinh đen. Mẩu kim loại màu xanh da trời sáng loáng, nặng trĩu trên lòng bàn tay. Éc-gơ No-rơ biết rằng trên hành tinh quê hương và các hành tinh lân cận trong hệ Mặt trời và quanh các sao gần nhất, không có thứ kim loại này. Ngoài tin về cái chết của Diếc-đa, có lẽ đây là điều quan trọng nhất mà họ mang về cho Trái đất và Vành-khuyên.

Ngôi sao sắt rất gần Trái đất, và bây giờ, sau khi đã có được kinh nghiệm của «Cánh buồm» và «Tan-tơ-ra», việc đưa một đoàn thám hiểm được chuẩn bị đặc biệt đến hành tinh đen không có gì nguy hiểm lắm, dù cho trong bóng tối vĩnh viễn ấy có bao nhiêu cây thập tự đen và bao nhiêu con sứa điện đi nữa. Họ không thành công trong việc mở con tàu xoáy ốc.

Nếu họ có thời giờ suy nghĩ kỹ thì ngay lúc ấy, họ hiểu rằng cái đường ống khổng lồ hình xoáy ốc là một phần hệ thống động cơ của con tàu.

Trong ký ức của trưởng đoàn lại hiện ra những biến cố trong ngày cuối cùng đầy tai họa: anh ngã nằm chơ vơ ở gần con quái vật, Nhi-da dang tay nằm đè lên anh để che chở cho anh.

Tình yêu của cô — cái tình cảm trẻ trung kết hợp với lòng chung thủy anh hùng của phụ nữ thời xưa với tính dũng cảm thẳng thắn và thông minh thời nay — nảy nở chưa được bao lâu…

Pua Hít-xơ rón rén đi tới phía sau, đến trực thay cho trưởng đoàn. Éc-gơ No-rơ ra ngoài, vào thư viện kiêm phòng thí nghiệm, nhưng không qua hành lang của ngăn trung tâm dẫn tới các buồng ngủ, mà mở cánh cửa nặng của gian y tế.

Ánh sáng khuếch tán giống ánh sáng ban ngày của Trái đất lấp lánh trên những tủ si-li-côn đựng thuốc và dụng cụ, phản chiếu lên mặt kim loại của máy Rơn-ghen, trên các dụng cụ tuần hoàn và hô hấp nhân tạo. Trưởng đoàn vén tấm màn che dầy từ trên trần rủ xuống và bước vào chỗ tranh tối tranh sáng. Ánh sáng yếu ớt giống như ánh trăng, nom có vẻ ấm áp trong lớp si-li-côn hồng trong suốt như pha-lê.

Hai bộ kích thích ti-tra-tôn được lắp sẵn để đề phòng trường hợp trụy tim mạch bất ngờ.

Chúng lách tách hầu như không nghe thấy được, duy trì nhịp tim cho cô gái bị liệt. Bên trong cái nắp chụp, trong ánh sáng trắng bạc, hơi hồng, Nhi-da nằm dài bất động, tưởng chừng như đang say sưa trong giấc ngủ yên tĩnh, ngon lành. Một trăm thế hệ tổ tiên sống lành mạnh, trong sạch và no đủ đã khiến cho những đường nét mềm mại và khỏe mạnh của thân thể phụ nữ — tạo vật đẹp nhất của cuộc sống cường tráng trên Trái đất — đạt tới mức hoàn mỹ nghệ thuật. Từ lâu, mọi người đã biết rằng hành tinh rất giàu nước này là phần thưởng dành riêng cho họ. Nước làm cho đời sống thực vật phát triển phong phú, và giới thực vật tạo ra nguồn dự trữ lớn về khí ô-xy tự do. Nhờ đó, đời sống động vật tràn lan như thác lũ, trở nên hoàn thiện dần qua hàng trăm triệu năm, cho đến khi xuất hiện sinh vật có trí khôn là con người. Kinh nghiệm lịch sử vô cùng lớn lao của sự phát triển sự sống trên các hành tinh của vô số thế giới chứng tỏ rằng con đường tiến hóa mù quáng của sự chọn lọc càng khó khăn và lâu dài thì những hình thức của các sinh vật cao cấp có trí khôn lại càng đẹp, tính hợp lý thích nghi của chúng với hoàn cảnh và với những đòi hỏi của cuộc sống xung quang càng tinh vi, mà tính hợp lý ấy cũng là vẻ đẹp.

Mọi cái đều vận động và phát triển theo đường xoáy ốc. Éc-gơ No-rơ như thấy trước mắt cái đường xoáy ốc cực kỳ vĩ đại của sự phát triển đi lên, áp dụng cho đời sống và xã hội loài người. Lần đầu tiên, anh hiểu một cách rõ ràng kỳ lạ rằng hoàn cảnh sống và làm việc của cơ thể — với tư cách là những máy sinh học — càng khó khăn, và con đường phát triển của xã hội càng gian khổ, thì đường xoáy ốc đi lên càng bị nén chặt, các «vòng» xoắn càng gần nhau, vì vậy quá trình diễn ra càng chậm, những hình thức xuất hiện càng được tiêu chuẩn hóa, càng giống nhau.

Anh theo đuổi những hành tinh kỳ diệu của các vầng mặt trời xanh là sai lầm và anh đã hướng dẫn Nhi-da đi chệch đường. Bay tới các thế giới mới không phải là để tìm kiếm và khám phá ra những hành tinh không có người ở, tự hình thành một cách ngẫu nhiên, mà đấy là sự tiến lên có suy nghĩ, từng bước một của loài người để đi khắp nhánh Thiên-hà, là cuộc diễu hành chiến thắng của kiến thức và vẻ đẹp của cuộc sống… vẻ đẹp như Nhi-da…

Lòng đột nhiên trĩu nặng đau buồn, Éc-gơ No-rơ quỳ gối trước cái quan tài bằng si-li-côn của Nhi-da. Không có biểu hiện nào cho thấy cô gái còn thở, hai hàng mi in những vệt tối dưới mí mắt nhắm nghiền, cặp môi hé mở để lộ hàm răng trắng muốt. Trên vai trái, trên cánh tay chỗ gần khuỷu và ở cuối cổ có những vệt xanh nhợt: chỗ bị dòng điện ác hại làm tổn thương.

— Em có nhìn thấy không, em có nhớ gì trong giấc ngủ không? — Éc-gơ No-rơ hỏi, lòng đau xót khôn cùng, tự cảm thấy ý chí của mình mềm nhũn hơn sáp, hơi thở tắc nghẽn và cổ họng thắt lại.

Trong lúc cố tìm cách truyền cho Nhi-da những ý nghĩ của mình, truyền cho cô lời kêu gọi say mê về đời sống và hạnh phúc, anh bóp chặt những ngón tay đan vào nhau, đến nỗi ngón tay thâm tím cả lại. Nhưng cô gái tóc hung vẫn không động cựa, nom như pho tượng bằng cẩm thạch hồng thể hiện đến mức hoàn hảo, tinh vi về một hình mẫu sống.

Bác sĩ Lu-ma La-xvi nhẹ nhàng vào bệnh viện và cảm thấy có ai ở đây. Thận trọng vén tấm màn lên, chị thấy trưởng đoàn đang quỳ gối, không nhúc nhích, giống như bức tượng kỷ niệm hàng triệu người đàn ông đã phải khóc người yêu của mình. Không phải lần đầu tiên chị bắt gặp Éc-gơ No-rơ ở đây, và trong lòng chị nhói lên một tình thương sâu sắc. Éc-gơ No-rơ cau có đứng dậy. Lu-ma bước nhanh lại gần anh và thì thầm, xúc động: — Tôi cần nói chuyện với anh.

Éc-gơ No-rơ gật đầu và đi ra gian phía trước của bệnh xá, mắt nheo lại. Anh không ngồi xuống chiếc ghế mà Lu-ma mời anh ngồi. Anh vẫn đứng tựa lưng vào bộ khung của cái máy bức xạ hình nấm. Lu-ma La-xvi đứng trước mặt anh, vươn hết tầm vóc thấp bé của mình, cố làm cho mình cao hơn và đường bệ hơn, trước khi mở đầu cuộc nói chuyện. Luồng mắt của trưởng đoàn không để cho chị có thời gian chuẩn bị.

Chị ngập ngừng lên tiếng: — Anh cũng biết đấy, khoa thần kinh hiện nay đã đi sâu được vào quá trình xuất hiện cảm xúc trong phạm vi ý thức và tiềm thức của tâm lý. Tiềm thức chịu ảnh hưởng của những thứ thuốc ức chế thông qua những khu vực lâu đời của não, những khu vực có nhiệm vụ điều chỉnh hóa học đối với cơ thể, kể cả hệ thần kinh và phần nào cả hoạt động thần kinh cao cấp nữa.

Éc-gơ No-rơ nhướn cao lông mày. Lu-ma La-xvi cảm thấy chị nói quá tỉ mỉ và dài dòng.

— Tôi muốn nói rằng y học có khả năng tác động đến những trung tâm não đảm nhiệm việc điều khiển những cảm xúc mạnh. Tôi có thể…

Éc-gơ No-rơ chợt hiểu, điều đó lóe lên trong ánh mắt anh và biểu lộ trong nụ cười thoáng hiện trên môi.

Anh hỏi nhanh: — Chị đề nghị tác động đến tình yêu của tôi và bằng cách đó giải thoát cho tôi khỏi đau khổ phải không?

Thầy thuốc cúi đầu.

Éc-gơ No-rơ chìa tay ra bắt vẻ cảm ơn và lắc đầu không thuận.

— Tôi không thể từ bỏ sự phong phú về tình cảm của mình, dù những tình cảm ấy làm tôi đau khổ đến đâu mặc lòng. Đau khổ, nếu nó không vượt quá sức chịu đựng, bao giờ cũng dẫn tới hiểu biết, hiểu biết dẫn tới tình yêu, cái vòng tròn khép kín lại như thế. Chị thật tốt bụng, Lu-ma ạ, nhưng không nên!

Vẫn hăm hở như thường lệ, trưởng đoàn biến mất sau cánh cửa.

Hối hả như trong thời gian xảy ra hỏng máy, sau ba năm trời, bây giờ các kỹ sư điện tử và kỹ sư cơ khí lại thiết lập ở Trạm trung tâm và ở thư viện những màn ảnh điện thoại truyền hình để thu những buổi phát của Trái đất. Con tàu vũ trụ đi vào khu vực mà nó có thể bắt được sóng ra-đi-ô của mạng thông tin thế giới do bầu khí quyển khuếch tán đi.

Tiếng nói, âm thanh, hình ảnh và màu sắc của hành tinh quê hương làm cho các nhà du hành phấn chấn, đồng thời làm cho họ sốt ruột: thời gian dài đằng đẵng của các chuyến bay vũ trụ càng trở nên khó chịu đựng hơn.

Con tàu gọi vệ tinh nhân tạo 57 bằng luồng sóng thường lệ của các chuyến bay đi xa vào vũ trụ. Từng giờ, họ chờ đợi câu trả lời của trạm phát cực mạnh ấy, trạm đảm nhiệm việc liên lạc giữa Trái đất và vũ trụ.

Cuối cùng, lời kêu gọi của con tàu đã đến được Trái đất.

Toàn đội du hành không ngủ, không rời khỏi các máy thu. Trở lại cuộc sống sau ba mươi năm Trái đất và chín năm phụ thuộc không có liên lạc với Tổ quốc! Thèm thuồng không biết chán, họ bắt các buổi phát tin của Trái đất, qua mạng liên lạc thế giới, họ thảo luận những vấn đề mới, quan trọng mà như thường lệ, bất cứ ai cũng có thể đặt ra, nếu muốn.

Vì vậy, đề nghị mà họ tình cờ bắt được của nhà nghiên cứu về đất là Hép U-rơ đã gây nên cuộc thảo luận sáu tuần lễ và những tính toán phức tạp.

«Đề nghị của Hép U-rơ, xin mời thảo luận! «tiếng nói của Trái đất vang lên. «Tất cả những ai từng suy nghĩ và làm việc theo hướng đó, tất cả những ai có ý nghĩ tương tự hay có ý kiến gì bác bỏ, xin mời hãy lên tiếng!». Những nhà du hành vũ trụ vui sướng khi nghe cái thể thức quen thuộc mời mọi người tham gia cuộc thảo luận rộng rãi. Hép U-rơ đề nghị Hội đồng du hành vũ trụ nghiên cứu có hệ thống những hành tinh có thể đến được của các ngôi sao màu xanh lơ và màu lục.

Theo ông, đấy là những thế giới đặc biệt, phát ra năng lượng rất mạnh, có tác dụng kích thích hóa học đối với những thành phần khoáng chất trơ trong hoàn cảnh Trái đất, làm cho chúng chống lại en-tơ-rô-pi[51], tức là làm cho chúng trở nên hoạt động. Ở nhiệt độ cao và trong bức xạ mãnh liệt của những ngôi sao thuộc các lớp quang phổ cao, các hình thức đặc biệt của sự sống sẽ nảy sinh từ những khoáng vật trơ trong điều kiện Trái đất sẽ trở nên tích cực. Hép U-rơ coi việc đoàn thám hiểm lên sao Thiên-lang không phát hiện được ở đấy một dấu vết nào của sự sống là một thất bại hợp quy luật, vì ngôi sao quay nhanh ấy là sao đôi, không có từ trường mạnh. Không ai bác lại sự thật mà Hép U-rơ nêu lên: ông cho rằng không thể coi các sao đôi là nguồn gốc tạo nên những hệ hành tinh của vũ trụ. Nhưng thực chất đề nghị ấy gây nên sự phản đối mạnh mẽ của đoàn thám hiểm «Tan-tơ-ra».

Các nhà thiên văn của đoàn, đứng đầu là Éc-gơ No-rơ, đã soạn thảo và gửi đi một thông báo đại diện cho ý kiến của những người đầu tiên đã nhìn thấy sao Chức-nữ trong cuốn phim mà «Cánh buồm» quay được.

Và người Trái đất hoan hỉ khi nghe thấy tiếng nói của con tàu vũ trụ đã về gần.

«Tan-tơ-ra» chống lại việc gửi một đoàn thám hiểm ra đi theo những luận điểm của Hép U-rơ. Những ngôi sao xanh quả thực có phóng ra một số năng lượng tính theo mỗi đơn vị bề mặt hành tinh thì đủ để làm cho sự sống nảy sinh từ các hợp chất nặng. Nhưng bất cứ cơ thể sống nào cũng là cái lọc và con đê ngăn chặn năng lượng, chống lại định luật thứ hai của Nhiệt động học bằng cách tạo nên một cấu trúc, bằng cách làm cho phân tử khoáng chất và phân tử khí đơn giản trở nên phức tạp ghê gớm. Sự phức tạp hóa như thế chỉ có thể xuất hiện trong quá trình phát triển của lịch sử vô cùng lâu dài, tức là khi có sự ổn định lâu dài của các điều kiện vật lý. Chính sự ổn định ấy lại không thể có được trên các hành tinh của các ngôi sao có nhiệt độ cao, vì vì những đợt và những cơn lốc phóng xạ cực mạnh phá hủy nhanh chóng những chất phức tạp. Ở đấy không có cái gì tồn tại lâu được, mặc dù các khoáng chất có cấu tạo tinh thể hết sức bền vững với mạng nguyên tử hình lập phương.

Theo ý kiến của đoàn «Tan-tơ-ra», Hép U-rơ lặp lại phán đoán một chiều của các nhà thiên văn thời cổ là những người không hiểu động năng phát triển của các hành tinh. Mỗi hành tinh mất những chất nhẹ: những chất ấy bay hơi vào không gian và khuếch tán mất. Do nhiệt độ cao và áp suất tia bức xạ của các vầng mặt trời xanh, sự mất mát nguyên tố nhẹ diễn ra đặc biệt mạnh.

«Tan-tơ-ra» đưa ra một loạt dẫn chứng và cuối cùng, khẳng định quá trình «nặng lên» của những hành tinh thuộc hệ thống các ngôi sao xanh không cho phép tạo thành những hình thức sống.

Vệ tinh 57 trực tiếp truyền ý kiến phản đối của cac nhà bác học trên con tàu vũ trụ về đài quan sát của Hội đồng.

Cuối cùng, đã đến giây phút mà In-gơ-rít Đi-tơ-ra và Cai Be cũng như tất cả mọi người trong đoàn thám hiểm, không trừ một ai, nóng lòng sốt ruột mong đợi. «Tan-tơ-ra» bắt đầu giảm tốc độ bay gần bằng tốc độ ánh sáng của mình và bỏ qua vành đai băng của hệ Mặt trời, tới gần Trạm dừng tàu vũ trụ trên Tơ-ri-tôn. Bây giờ không cần tốc độ như thế nữa: từ đây tức là từ vệ tinh của Hải-vương-tinh, «Tan-tơ-ra» bay với tốc độ chín trăm triệu ki-lô- mét một giờ thì chưa đầy năm giờ sau sẽ về đến Trái đất. Nhưng thời gian cần để con tàu lấy được tốc độ lâu đến nỗi sau khi nó bay khỏi Tơ-ri-tôn, nó có thể vượt qua Mặt trời và đi cách Mặt trời rất xa.

Để tránh hao phí chất a-na-mê-dôn quí báu và không làm con tàu nặng thêm vì những thiết bị cồng kềnh, khi bay trong hệ thống, họ bay bằng những động cơ liên hành tinh. Tốc độ của các động cơ ấy không vượt quá tám trăm nghìn ki-lô-mét một giờ đối với các hành tinh bên trong và hai triệu rưởi ki-lô-mét một giờ đối với các hành tinh xa nhất ở vành ngoài. Bình thường, vượt qua chặng đường từ từ Hải-vương-tinh đến Trái đất phải mất hai tháng rưỡi đến ba tháng.

Tơ-ri-tôn là một vệ tinh rất lớn, kích thước chỉ thua kém chút ít so với những vệ tinh khổng lồ thứ ba và thứ tư của Mộc-tinh là Ga-ni-mét và Ca-li-xtô và so với một hành tinh nhỏ là Thủy-tinh. Bởi thế nó có một lớp khí quyển mỏng, chủ yếu là ni-tơ và khí các-bô-níc.

Éc-gơ No-rơ cho con tàu hạ xuống cực của Tơ-ri-tôn, ở chỗ đã chỉ định, cách không xa những mái vòm rộng của trạm dừng. Trên sườn một bình sơn nguyên, gần một vách đứng có những hầm nhà ăn xuyên vào trong, họ thấy những ô cửa kính lấp lóe của tòa nhà cách ly kiểm dịch. Tại tòa nhà này, các nhà du hành vũ trụ bị cách ly hoàn toàn với những người khác, và sẽ được kiểm dịch trong năm tuần lễ. Trong thời gian ấy, các bác sĩ giỏi sẽ kiểm tra cơ thể họ một cách cẩn thận, vì một bệnh nhiễm trùng mới nào đó có thể khu trú trong cơ thể họ. Mối nguy hiểm quá lớn, không thể coi thường được. Bởi vậy, tất cả những người đã đặt chân lên các hành tinh khác, dù là hành tinh không có người ở, cũng phải trải qua thể thức đó, bất kể họ đã ở trên tàu vũ trụ lâu như thế nào. Chính con tàu cũng được các nhà y tế xem xét trước khi trạm cho phép nó bay về Trái đất. Đối với nhũng hành tinh mà nhân loại đã chinh phục từ lâu, như Kim-tinh, Hỏa-tinh và một số hành tinh nhỏ, việc kiểm dịch được tiến hành trên các trạm của các hành tinh ấy trước khi tàu bay đi.

Sống trong nhà điều dưỡng dễ chịu hơn sống trong con tàu. Những phòng thí nghiệm để nghiên cứu, những phòng hòa nhạc, những nhà tắm phức hợp dùng điện, nhạc, nước và dao động sóng, những cuộc dạo chơi hàng ngày trên núi và ở các khu vực quanh nhà mà chỉ phải mang áo giáp nhẹ. Và sau hết là sự liên lạc với Trái đất, tuy không phải bao giờ cũng đều đặn, nhưng chỉ cần năm giờ là tin truyền từ đây đã về đến Trái đất!

Cỗ quan tài bằng si-li-côn của Nhi-da được chuyển hết sức cẩn thận vào nhà điều dưỡng.

Éc-gơ No-rơ và nhà sinh vật Ê-ôn Tan rời «Tan-tơ-ra» sau cùng. Họ bước nhẹ nhàng, thậm chí đeo thêm những vật nặng để khỏi bị vọt lên một cách bất ngờ vì trọng lực nhỏ của vệ tinh này.

Những cây đèn xung quanh bãi đỗ tàu đã tắt. Tơ-ri-tôn ra phía Hải-vương-tinh được Mặt trời chiếu sáng. Tuy ánh sáng mà Hải-vương-tinh phản chiếu có màu xám nhạt rất mờ.

Nhưng mặt phản xạ của hành tinh khổng lồ này (nó cách Tơ-ri-tôn chỉ có ba trăm năm mươi ngàn ki-lô-mét) đã xua tan được sương mù, tạo nên xung quanh vệ tinh một cảnh sáng mờ giống như hoàng hôn ở các vĩ độ cao của Trái đất. Tơ-ri-tôn bay xung quanh Hải-vương- tinh, đi từ đông sang tây, theo chiều ngược với chiều quay của hành tinh, một vòng hết gần sáu ngày đêm Trái đất, và «ngày» của nó dài ngót bảy mươi giờ. Trong thời gian ấy, Hải- vương-tinh đã kịp quay bốn lần quanh trục, và bây giờ, có thể nhìn thấy rất rõ bóng của vệ tinh lướt nhanh trên cái đĩa mờ hơi sương.

Trưởng đoàn và nhà sinh vật hầu như đồng thời nhìn thấy một con tàu nhỏ đậu cách rìa cao nguyên một quãng không xa. Đấy không phải là con tàu vũ trụ nửa sau phình rộng và có những cánh cân bằng nhô cao. Cứ nhìn cái mũi rất nhọn và thân hẹp thì có thể quả quyết rằng nó là con tàu liên hành tinh, nhưng nó nó lại hơi khác hình dáng quen biết của những tàu loại này: ở phần đuôi có một vành đai to và phía trên có thêm một cấu tạo thượng tầng hình chiếc cọc dài.

— Ở đây, tại nơi kiểm dịch, lại có thêm một con tàu nữa ư? — Ê-ôn nói nửa như hỏi — Chẵng lẽ Hội đồng đã thay đổi lệ thường hay sao?

— Tức là không phái một đoàn thám hiểm mới lên các vì sao khi các đoàn đã đi chưa về chứ gì? — Éc-gơ No-rơ nói — Thực ra, chúng ta đã giữ đúng kỳ hẹn, nhưng thông báo mà lẽ ra chúng ta phải gửi đi từ Diếc-đa về chậm mất hai năm.

— Có lẽ đây là đoàn thám hiểm lên Hải-vương-tinh chăng? Nhà sinh vật đưa ra một giả thuyết.

Họ đi qua quãng đường hai ki-lô-mét đến nhà điều dưỡng và lên một cái sân hiên rộng, lát đá ba-dan. Đứng ở đây, tại cực của vệ tinh, họ nhìn thấy mặt trời rất rõ: trong bầu trời tối đen, nó là một ngôi sao sáng nhất, tròn vành vạnh. Qua bộ máy sưởi ấm, cái lạnh rùng rợn một trăm bảy mươi độ âm chỉ như thời tiết bình thường của mùa đông ở miền cực của Trái đất. Những bông tuyết rất lớn bằng a-mô-ni-ắc hay bằng a-xít các-bô-níc đông đặc rơi chầm chậm từ trên xuống trong bầu khí quyển không xao động, làm cho cảnh vật xung quanh có cái vẻ yên ả của ngày tuyết rơi trên Trái đất.

Như bị thôi miên, Éc-gơ No-rơ và Ê-ôn Tan ngẩn người ra nhìn tuyết rơi. Thời xưa, tổ tiên xa xôi của họ ở các vĩ độ ôn đới cũng có thái độ như thế khi thấy tuyết. Tuyết xuống nghĩa là công việc đồng áng kết thúc!

Thể theo những tình cảm trong tiềm thức, nhà sinh vật học chìa tay cho trưởng đoàn.

— Những cuộc phiêu lưu của chúng ta đã chấm dứt, và cả đoàn đã được bình yên là nhờ anh.

Éc-gơ No-rơ phác một cử chỉ phản đối dứt khoát — Có phải tất cả được bình yên cả đâu? Thế tôi được yên lành là nhờ ai?

Ê-ôn Tan bối rối — Tôi tin chắc rằng Nhi-da sẽ được cứu sống! Các bác sĩ ở đây muốn bắt đầu cứu chữa ngay. Họ đã nhận được những chỉ dẫn của chính Gơ-rim Sa, người lãnh đạo phòng thí nghiệm về các bệnh liệt…

— Họ đã biết đó là loại bệnh gì chưa?

— Chưa. Nhưng rõ ràng là Nhi-da bị thương do một loại điện làm thay đổi cơ chế hóa học của các hạch thần kinh thuộc các hệ thống tự động. Hiểu được cách trừ khử tác động lâu dài lạ lùng của nó tức là chữa được cho Nhi-da. Chúng ta đã khám phá ra cơ chế của các bệnh liệt tâm thần bền vững mà hàng bao thế kỷ, vẫn được coi là không thể chữa khỏi.

Trong trường hợp này cũng có phần giống như bệnh nói trên, nhưng là do tác nhân bên ngoài gây ra. Khi nào người ta làm thí nghiệm vào những con vật mà tôi bắt được, bất kể chúng còn sống hay không, thì khi ấy cánh tay của tôi sẽ dùng lại được!

Cảm giác hổ thẹn khiến trưởng đoàn cau mày lại. Trong lúc đau xót, anh quên rằng nhà sinh vật đã giúp đỡ anh nhiều biết bao! Với một người đã trưởng thành như anh thì xử sự như vậy thì thực là khiếm nhã! Anh cầm lấy tay nhà sinh vật, và hai nhà bác học biểu lộ tình cảm với nhau bằng cái cử chỉ cổ xưa của đàn ông.

— Anh cho rằng các khí quan giết người của những con sứa đen và của con quái vật hình chữ thập là cùng một loại ư? — Éc-gơ No-rơ hỏi.

— Tôi tin chắc như vậy. Cánh tay tôi là một bằng chứng… — Nhà sinh vật học không nhận thấy câu nói của mình vô tình có tính chất bỡn cợt — Sự tích lũy và biến dạng của năng lượng điện biểu hiện thích nghi sinh tồn của những con vật màu đen sống trên một hành tinh có nhiều điện. Rõ ràng chúng là những con vật ăn thịt, còn mồi của chúng là cái gì thì hiện thời chúng ta chưa biết.

— Nhưng anh có nhớ cái việc đã xảy ra cho tất cả chúng ta khi Nhi-da…

— Đấy là chuyện khác. Tôi đã nghĩ nhiều về điều đó. Khi cây thập tự khủng khiếp xuất hiện thì có một hạ âm[52] cực mạnh vang lên làm cho chúng ta mê man đi.

Trong cái thế giới đen ấy, các âm thanh cũng đen và không nghe thấy được.

Thoạt tiên con vật dùng hạ âm làm chúng ta mê đi, rồi tác động đến chúng ta bằng một loại thôi miên mạnh hơn sức thôi miên của loại rắn khổng lồ ngày nay đã tuyệt diệt trên Trái đất: loại rắn a-na-côn-đa[53] chẳng hạn. Chính cái đó suýt giết chết chúng ta, nếu không có Nhi- da…

Trưởng đoàn thám hiểm nhìn vầng Mặt trời xa xăm giờ đây cũng đang chiếu sáng cả Trái đất. Mặt trời là niềm hi vọng vĩnh viễn của con người, kể từ thời tiền sử, khi con người sống lay lắt khổ sở giữa thiên nhiên tàn nhẫn. Mặt trời là hiện thân của lí trí tươi sáng, xua tan bóng tối và những con quái vật xuất hiện vào ban đêm. Và tia hi vọng sung sướng đã đã trở thành người bạn đường của con người trên suốt cuộc hành trình về sau..

Chủ nhiệm Trạm vũ trụ trên Tơ-ri-tôn đến nhà điều dưỡng gặp Éc-gơ No-rơ. Trái đất gọi trưởng đoàn thám hiểm, còn việc ông chủ nhiệm đến khu vực kiểm dịch bị cấm có nghĩa là thời hạn cách ly đã hết, đoàn thám hiểm có thể có thể kết thúc chuyến du hành ba mươi chín năm của «Tan-tơ-ra». Lát sau, trưởng đoàn thám hiểm đã quay về. Anh có vẻ đăm chiêu hơn thường ngày.

— Chúng ta sẽ cất cánh ngay hôm nay. Người ta yêu cầu tôi cho sáu người của tàu liên hành tinh «A-mát» theo về Trái đất. Tàu «A-mát» ở lại để khai thác những mỏ mới trên Diêm- vương-tinh. Chúng ta sẽ đem về cả những vật liệu mà đoàn khảo sát đã thu thập được ở đó.

Sáu người này đã trang bị lại một con tàu liên hành tinh bình thường và đã lập được một chiến công vô cùng dũng cảm. Họ đã chui xuống đáy địa ngục, nghĩa là đã xuống dưới đáy của bầu khí quyển dầy đặc gồm toàn khí nê-ôn và mê-tan của Diêm-vương-tinh. Họ bay trong những cơn bão tuyết a-mô-ni-ắc, liều mình với nguy hiểm, vì trong bóng tối, bất cứ lúc nào họ cũng có thể tan thây nếu đâm vào những mũi băng nhọn khổng lồ cứng như thép. Họ đã tìm thấy một khu vực có núi nhô ra khỏi băng. Câu đố bí ẩn về Diêm-vương-tinh cuối cùng đã được giải đáp: hành tinh đó không thuộc về hệ Mặt trời của chúng ta. Nó bị chiếm đoạt trong thời gian Mặt trời đi qua Thiên-hà. Đó là lý do vì sao tỷ trọng của Diêm-vương- tinh lớn hơn nhiều so với tất cả các hành tinh khác ở xa Mặt trời. Các nhà nghiên cứu đã khám phá được những khoáng vật kỳ lạ ở một thế giới hoàn toàn không quen thuộc. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là trên một dãy núi, họ phát hiện ra dấu vết của những công trình xây dựng hầu như đã bị phá hủy hoàn toàn. Những công trình đó là bằng chứng về một nền văn minh rất cổ. Những cứ liệu mà các nhà nghiên cứu lấy được cố nhiên là còn phải kiểm tra lại. Còn phải chứng minh rằng các vật liệu xây dựng đã được xử lý bởi những sinh vật có lý trí. Nhưng đấy vẫn là một chiến công kỳ diệu. Tôi tự hào vì con tàu của chúng ta sẽ đưa những người anh hùng về Trái đất, và tôi nóng lòng muốn được nghe họ kể chuyện. Họ vừa hết thời hạn kiểm dịch cách đây ba ngày… — Éc-gơ No-rơ ngừng lời, mệt mỏi vì nói dài.

— Nhưng ở đây có mâu thuẫn nghiêm trọng! — Pua Hít-xơ kêu lên.

— Mâu thuẫn là mẹ của chân lý! — Éc-gơ No-rơ bình tĩnh trả lời nhà thiên văn bằng câu phương ngôn cũ — Đã đến lúc chuẩn bị «Tan-tơ-ra»!

Con tàu đã được thử thách rời khỏi Tơ-ri-tôn một cách dễ dàng và bay theo một cung khổng lồ vuông góc với mặt phẳng hoàng đạo[54]. Không thể bay về Trái đất theo đường thẳng: bất cứ con tàu nào cũng bị hủy diệt khi đi vào vành đai rộng của các vân thạch và hành tinh nhỏ nguyên là mảnh của hành tinh Pha-tê-ôn bị vỡ. Hành tinh Pha-tê-ôn xưa kia ở giữa Hỏa-tinh và Mộc-tinh, nhưng bị sức hút của hành tinh khổng lồ trong hệ Mặt trời làm vỡ ra từng mảnh.

Éc-gơ No-rơ tăng tốc độ của con tàu. Anh không muốn đưa những người anh hùng về Trái đất trong thời gian bảy mươi hai ngày như qui định, mà định dùng sức mạnh lớn lao của con tàu để về đến Trái đất trong năm mươi giờ, nhưng chỉ tiêu thụ a-na-mê-dôn ở mức thấp nhất.

Tin phát đi từ Trái đất xuyên qua không gian đến với con tàu vũ trụ: hành tinh quê hương chào mừng thắng lợi việc chinh phục bóng tối của ngôi sao và bóng tối của Diêm-vương-tinh băng giá. Các nhà soạn nhạc biểu diễn những bản tình ca và giao hưởng sáng tác để chào mừng «Tan-tơ-ra» và «A-mát» Vũ trụ vang lên những khúc điệu hân hoan. Các trạm trên Hỏa-tinh, Kim-tinh và trên các hành tinh nhỏ gọi con tàu, hòa giọng vào bản đồng ca chung tỏ lòng tôn kính những người anh hùng.

— «Tan-tơ-ra», «Tan-tơ-ra» — cuối cùng, đã nghe thấy tiếng nói từ đài chỉ huy của Hội đồng — đỗ xuống En Hôm-ra!

Sân bay vũ trụ trung tâm ở một điểm trước kia là hoang mạc Bắc Phi, và con tàu đáp xuống qua lớp khí quyển chan hòa ánh Mặt trời.

Загрузка...