Chương 4. CON SÔNG THỜI GIAN

Vê-đa Công và Đa-rơ Vê-te đứng trên một cái sân tròn nhỏ của chiếc tàu lượn đang từ từ lướt trên thảo nguyên vô tận. Làn gió nhẹ làm nổi lên những luồng sóng rộng rập rờn trên lớp cỏ rậm đang nở hoa. Xa xa về bên trái, họ nhìn thấy một đàn gia súc trắng đốm đen: đấy là hậu thế của giống động vật gây được bằng cách lai bò Tây tạng, bò cái và trâu.

Những ngọn đồi thấp, những con sông hiền hòa với những thung lũng rộng — cảnh tượng ấy đem lại cho ta cảm giác phóng khoáng và yên tĩnh khi đứng trước khu vực ổn định và bằng phẳng này của vỏ Quả đất, khu vực mà hồi xưa mang tên là vùng đất thấp miền Tây Xi-bê-ri.

Đa-rơ Vê-te trầm ngâm nhìn dải đất xưa kia đầy những những đầm lầy bất tận, buồn tẻ và rải rác những cánh rừng tàn héo của của miền Bắc Xi-bê-ri. Anh tưởng chừng nhìn thấy bức tranh của nhà họa sĩ thời cổ, bức tranh đã để lại cho anh một ấn tượng không phai nhòa ngay từ thuở ấu thơ.

Trên một mũi đất cao tạo nên bởi khúc uốn của một con sông lớn, có một ngôi nhà thờ bằng gỗ, tường xám lại vì quá lâu đời. Ngôi nhà thờ đứng trơ trơ một mình, quay mặt về phía những cánh đồng và đồng cỏ bao la bên kia sông. Trên cái nóc tròn của cây thập tự mỏng mảnh thẫm đen lại dưới những đám mây thấp nặng nề. Trên khu nghĩa trang nhỏ phía sau nhà thờ, một đám bạch dương và liễu ngả những ngọn cây bù xù trước gió. Những cành là thấp, gần như chạm vào những cây thập tự mục nát mà thời gian và bão táp đã quật đổ giữa đám cỏ tươi ẩm ướt. Phía bên kia sông, những những đám mây khổng lồ nửa tím nửa xám chồng chất lên nhau, dày đặc như những khối đá. Con sông rộng lấp lánh ánh thép lạnh lùng. Ánh thép lạnh lùng ấy cũng bao phủ khắp nơi. Mọi chốn xa gần đều ẩm ướt vì trận mưa thu rả rích ở những vĩ tuyến lạnh và hoang vu của phương Bắc. Những màu xanh lơ, xám, xanh lục của bức tranh phong cảnh phối hợp với nhau nhằm miêu tả những vùng đất bao la không trồng trọt, nơi con người sống chật vật, chịu đói rét, nơi mà sự cô đơn của con người được cảm nhận rõ rệt hơn ở đâu hết, sự cô đơn đặc trưng cho những thời xa xưa, khi con người còn thiếu lý trí.

Bức tranh ấy để trong nhà bảo tàng, sau một tấm bảo vệ trong suốt, được những tia không nhìn thấy chiếu rọi từ phía dưới, khiến cho nó nom như mới. Đa-rơ Vê-te có cảm giác rằng bức tranh đó là cái cửa sổ nhìn vào quá khứ rất xa xăm.

Đa-rơ Vê-te lẳng lặng quay sang Vê-đa. Người đàn bà trẻ đặt một tay lên hàng lan can của sân tàu lượn. Chị cúi đầu, vừa trầm ngâm suy nghĩ vừa nhìn những thân cỏ cao ngả theo chiều gió. Cỏ vũ mao óng ánh bạc nom như làn nước lụt tràn rộng, chảy chậm chạp. Chiếc tàu lượn hình tròn thong thả lướt trên thảo nguyên. Những cơn lốc nhỏ, oi bức đột nhiên ào tới tấn công những người du hành, làm cho tóc và tấm áo dài của Vê-đa bay phấp phới, và tinh nghịch thổi hơi nóng vào mắt Vê-te. Nhưng máy tiết chế tự động làm việc nhanh hơn ý nghĩ, và cái sân bay chỉ hơi rung động hoặc tròng trành rất nhẹ, khó nhận thấy.

Đa-rơ Vê-te cúi xuống gần máy ghi hành trình. Tấm bản đồ chuyển động nhanh phản ánh hành trình của họ. Có lẽ họ đã đi quá xa về phương Bắc. Họ đã vượt ngang qua vĩ tuyến sáu mươi từ lâu, họ đã bay qua chỗ con sông I-rơ-tư-sơ và sông Ô-bi gặp nhau và đã tới gần miền đất cao, tên là thung lũng hình máng Xi-bê-ri.

Không gian thảo nguyên đã trở thành quen thuộc với cả hai nhà du lịch: suốt bốn tháng trời, họ đã làm công việc khai quật những ngôi mộ cổ trong các thảo nguyên nóng nực của vùng An-tai gần núi. Công cuộc khảo cổ dường như đưa họ trở về cái thời mà họa hoằn mới có những đội kỵ sĩ vũ trang băng qua các thảo nguyên phương Nam.

Vê-đa quay lại và lặng lẽ chỉ về phía trước. Ở đấy, một cù lao nhỏ, thẫm màu dường như tách khỏi mặt đất, bập bềnh trôi trong những luồng không khí nóng. Mấy phút sau, con tàu lượn tới gần quả đồi nhỏ, có lẽ là đống đá thải của một cái mỏ xưa kia được khai thác tại đây. Không còn lại một công trình kiến trúc nào của khu mỏ, chỉ còn lại cái gò nhỏ mọc đầy cây anh đào.

Cái sân tròn nhỏ đang bay bỗng nghiêng hẳn đi.

Như một cái máy tự động, Đa-rơ Vê-te quàng tay ôm lấy ngang lưng Vê-đa và băng về phía rìa sân hếch lên cao. Tàu lượn trở lại thăng bằng trong khoảnh khắc để rồi rơi bịch xuống dưới chân đồi. Bộ giảm xóc làm việc và hất ngược làm cho Đa-rơ Vê-te và Vê-đa bị ném lên sườn đồi, rơi thẳng vào đám bụi cây cứng. Sau một lát im lặng, tiếng cười ròn vang của Vê-đa nổi lên, phá tan bầu không khí tĩnh mịch của thảo nguyên. Đa-rơ Vê-te tưởng tượng thấy bộ mặt sửng sốt và đầy vết xây sát của mình, rồi anh cũng cười theo Vê- đa, sung sướng hồn nhiên vì chị không bị thương và vụ hư hỏng không gây tai nạn gì.

— Không phải vô cớ mà người ta cấm các tàu lượn không được bay cao quá tám mét — Vê- đa Công thốt lên, giọng hơi hổn hển — Bây giờ thì tôi hiểu…

— Khi bị hư hỏng, máy rơi xuống ngay, và chỉ còn trông cậy vào bộ giảm chấn. Không thể làm thế nào được, đấy là cái giá tất nhiên phải trả để đổi lấy sự nhẹ nhàng và kích thước nhỏ.

Có lẽ chúng ta còn phải trả giá nữa về tất cả những chuyến bay may mắn — Đa-rơ Vê-te nói với vẻ thản nhiên hơi giả tạo.

— Thế là thế nào kia? — Vê-đa hỏi một cách nghiêm trang.

— Hoạt động hoàn hảo của các khí cụ ổn định cho thấy là máy móc hết sức phức tạp. Tôi e rằng tôi sẽ phải mất nhiều thời gian mới tìm được chỗ hỏng. Tôi sẽ phải xoay sở theo cách thức của tổ tiên ta thời xưa…

Với ánh mắt ranh mãnh, Vê-đa giơ cánh tay ra và Đa-rơ Vê-te kéo chị lên một cách dễ dàng. Họ đi xuống chỗ chiếc tàu lượn bị rơi, bôi thuốc làm lành da vào các vết xước, dán lại chiếc áo dài bị rách. Đa-rơ Vê-te thu xếp cho Vê-đa nằm dưới bóng rợp của một bụi cây, còn anh thì bắt đầu đi tìm nguyên nhân của sự hư hỏng. Đúng như anh phỏng đoán, đã có sự trục trặc trong bộ thăng bằng tự động và thiết bị khóa của nó đã tắt động cơ. Vừa mở hộp khí cụ, Vê-te đã thấy rõ rằng việc sửa chữa sẽ không có kết quả gì: sẽ phải mất quá nhiều thời giờ để tìm hiểu máy móc điện tử hết sức phức tạp. Khẽ thở dài bực bội, anh duỗi thẳng tấm lưng mỏi nhừ và liếc về phía bụi cây, nơi Vê-đa Công đang mằm ngủ với vẻ tin cậy. Trong tầm mắt, thảo nguyên nóng rực hoàn toàn hoang vắng. Hai con chim lớn thuộc loài chim ăn thịt thong thả lượn vòng trên lớp không khí rung động màu xanh nhạt…

Cái máy dễ sai khiến đã trở thành cái đĩa chết, nằm ì trên mặt đất khô. Một cảm giác lạ lùng chợt đến với Đa-rơ Vê-te: cảm giác về sự đơn độc và tách rời khỏi toàn bộ thế giới.

Nhưng anh không sợ sệt gì cả. Hãy chờ đêm đến, khi ấy ánh mắt thường sẽ nhìn được xa hơn. Nhất định họ sẽ thấy ánh lửa và sẽ đến đó. Họ dùng tàu lượn đi du ngoạn, không mang theo điện thoại vô tuyến, cũng không mang theo đèn bấm và thức ăn.

«Thuở xưa, người ta có thể chết đói trong thảo nguyên nếu không mang theo một số lớn thực phẩm dự trữ… và nước uống! «— Cựu chủ nhiệm các trạm ngoại vi vừa nghĩ vừa lim dim mắt vì ánh sáng chói. Anh tìm được một khoảng bóng rợp dưới bụi anh đào, bên cạnh Vê-đa và nằm duỗi dài một cách thoải mái trên mặt đất, mặc cho những cọng cỏ khô đâm vào người qua bộ quần áo dài bằng vải mỏng. Tiếng gió rì rào và thời tiết oi bức đưa vào trạng thái mơ màng: ý nghĩ trôi chảy một cách chậm chạp. Những cảnh tượng của quá khứ xa xưa thong thả diễu qua trong ký ức, kế tiếp nhau thành chuỗi dài: những dân tộc: bộ tộc cổ xưa, những người riêng biệt… Dường như từ dĩ vãng, có một con sông khổng lồ đổ về, con sông của những biến cố, những nhân vật, những kiểu y phục thay đổi từng giây.

— Vê-te! — Đang mơ mơ màng màng, anh nghe thấy giọng nói mến yêu, và anh bừng tỉnh, ngồi nhỏm ngay lên.

Vầng mặt trời như quả cầu đỏ đã chạm tới đường chân trời mờ tối, không hề có một phẩy gió trong bầu không khí ngưng đọng.

— Thưa đức ông Vê-te — Vê-đa khom lưng trước mặt anh vẻ tinh nghịch, bắt chước những người đàn bà Á châu cổ xưa — ngài đã nên thức giấc và nhớ đến tôi chưa ạ?

Sau khi làm mấy động tác thể dục, Đa-rơ Vê-te hoàn toàn hết buồn ngủ. Vê-đa đồng ý với kế hoạch của anh là chờ đêm xuống. Bóng tối ập đến giữa lúc họ đang sôi nổi thảo luận công việc đã qua. Đột nhiên, Vê-te nhận thấy Vê-đa run rẩy. Hai tay chị trở nên lạnh giá, và anh hiểu rằng chiếc áo mỏng của Vê-đa hoàn toàn không giúp chị chống lại được cái lạnh giá ban đêm của vùng phương Bắc này.

Đêm hè ở vĩ tuyến sáu mươi vốn sáng sủa, và họ đã nhặt được một đống củi lớn.

Đa-rơ Vê-te dùng bộ ắc-quy mạnh của tàu lượn để lấy lửa. Tia lửa điện lóe lên, phát ra tiếng nổ vang giòn và chẳng bao lâu, ngọn lửa chói rực đã làm cho bóng tối xung quanh càng có vẻ âm u hơn, đồng thời tỏa hơi ấm làm họ cảm thấy khoan khoái.

Vê-đa lúc trước còn co ro, bây giờ đã tươi như bông hoa dưới ánh mặt trời, và cả hai người đều mơ màng, gần như bị thôi miên. Trong suốt thời gian một trăm ngàn năm mà lửa là chỗ nương tựa và là cứu tinh duy nhất của con người thì ở một góc sâu kín nào đó trong tâm hồn, con người vẫn luôn ấp ủ một cảm giác không gì hủy diệt được: cảm giác về sự ấm cúng và yên ổn mà ngọn lửa gợi nên trong lòng họ vào những giờ mà sự lạnh lẽo và bóng tối vây lấy họ…

— Chị có điều gì buồn bực thế, Vê-đa? — Đa-rơ Vê-te phá tan sự im lặng.

— Tôi nhớ đến người thiếu phụ ấy, người thiếu phụ bịt khăn… — Vê-đa khẽ nói, không rời mắt khỏi những hòn than bắn tóe ra những tia sáng vàng ánh.

Đa-rơ Vê-te hiểu ngay. Trước khi bay đi, họ đã hoàn thành việc khai quật một ngôi mộ cổ lớn của dân tộc Si-tơ trong vùng thảo nguyên An-tai. Bên trong cái khung gỗ còn giữ lại được là bộ xương của một ông già thủ lĩnh, xung quanh là xương ngựa và xương nô lệ. Bên trên đắp đất thành nấm mộ. Ông già thủ lĩnh được mai táng với cả gươm mộc và bộ áo giáp, còn ở dưới chân ông ta là bộ xương co quắp của một thiếu phụ còn trẻ lắm. Một tấm khăn lụa trước kia quấn quanh mặt, dính vào các mảnh xương sọ. Dù đã dùng mọi cách khéo léo, họ vẫn không giữ được tấm khăn, nhưng trong mấy phút trước khi nó tan ra thành bụi mịn, họ đã kịp ghi lại những đường nét chính xác của một khuôn mặt tuyệt đẹp vẫn để lại dấu vết trên mặt vải từ một nghìn năm trước. Tấm khăn còn cho biết một chi tiết khủng khiếp: dấu vết của cặp mắt lòi ra. Chắc chắn là người đàn bà bị thắt ngẹt bằng chiếc khăn ấy và bị ném vào mồ cùng với chồng để theo chồng trên những nẻo đường lạ lẫm dưới suối vàng. Thiếu phụ chưa quá mười chín tuổi, còn người đàn ông không dưới bảy mươi tuổi, cái tuổi già nua với thời bấy giờ.

Đa-rơ Vê-te nhớ tới cuộc tranh cãi bùng ra giữa các cộng tác viên trẻ tuổi trong đoàn thám hiểm của Vê-đa nhân cuộc khám phá đó. Thiếu phụ tự nguyện hay bị bắt ép chết theo chồng.

Để làm gì? Nhân danh cái gì? Nếu vì tình yêu lớn lao, chung thủy thì sao lại có thể giết chết chị ta, mà không bảo vệ chị ta, coi như một kỷ niệm tốt nhất về người quá cố được lưu lại trong thế giới những người còn sống?

Hồi ấy, Vê-đa Công đã lên tiếng. Mắt rực sáng chị nhìn dăm dăm hồi lâu vào cái mộ tối thẫm, cố vận dụng trí tuệ để nhìn vào quá khứ.

— Hãy cố hiểu những người ấy. Đối với những phương tiện giao thông duy nhất hồi ấy là ngựa, lạc đà, bò thì thảo nguyên quả là mênh mông vô bờ bến. Và sống trên khoảng đất bao la ấy là những nhóm người du mục chẳng những không có liên hệ gì với nhau, mà còn luôn luôn thù địch với nhau. Biết bao nhiêu hiềm khích và thù hằn đã tích lũy lại từ thế hệ này qua thế hệ khác; mỗi người lạ đều là kẻ thù, mỗi bộ lạc đều là một món chiến lợi phẩm mà người ta có thể chiếm đoạt để lấy gia súc và nô lệ, tức là những kẻ làm việc như gia súc theo sự cưỡng bức, dưới roi vọt. Tổ chức xã hội như thế một mặt đẻ ra quyền tự do quá đáng của một cá nhân trong việc thỏa mãn các những dục vọng và ước muốn lặt vặt của mình, thứ tự do hoàn toàn xa lạ đối với chúng ta ngày nay, mặt khác nó lại sản sinh ra tình trạng bó hẹp không thể tưởng tượng được trong sự giao tiếp giữa người với người và sự hẹp hòi lạ lùng của tư tưởng. Nếu như dân tộc hay bộ lạc là nhóm nhỏ có khả năng sống bằng săn bắn hay hái quả, thì những người du mục tự do ấy sống trong tình trạng luôn luôn lo sợ bị tấn công và bị nô dịch, hay lo sợ bị tiêu diệt bởi những người láng giềng hiếu chiến. Nhưng, khi một nước sống biệt lập và dân số lại đông đến mức có thể tạo nên một lực lượng quân sự mạnh thì dân chúng phải hy sinh tự do để có được an ninh cho đất nước chống lại sự tấn công quân sự từ bên ngoài, bởi vì trong những quốc gia mạnh, sự chuyên chế và bạo quyền bao giờ cũng phát triển. Ở Ai-cập, Át-xi-ri và Ba-bi-lon thời cổ đều thế.

Thời xưa, đàn bà, đặc biệt là đàn bà đẹp, là chiến lợi phẩm và là đồ chơi của kẻ mạnh. Đàn bà không thể sống mà không có người đàn ông làm chủ và che chở cho mình. Nguyện vọng và ý chí của đàn bà chẳng có ý nghĩa gì, đến nỗi đứng trước cuộc sống như thế… thì chưa biết chừng… chết còn nhẹ thân hơn…

Để đáp lại những ý nghĩ của Vê-te, Vê-đa nhích lại gần hơn, thong thả đảo những cành củi đang cháy, đăm đăm nhìn những tia lửa xanh nhạt liếm từ hòn than này sang hòn than khác.

— Thời ấy, người ta phải có lòng dũng cảm và kiên nhẫn đến thế mới có thể trung thành với chính mình, giữ cho mình khỏi sa đọa mà lại vươn lên trong cuộc sống… — Vê-đa Công khẽ thốt lên.

Đa-rơ Vê-te phản đối.

— Tôi cho rằng chúng ta thường phóng đại sự vất vả của đời sống cổ. Chưa nói đến chuyện là người ta đã quen với nó, mà tình trạng thiếu tổ chức của nó còn tạo nên những hoàn cảnh ngẫu nhiên nhiều hình nhiều vẻ. Ý chí và sức mạnh con người va chạm với cuộc sống, làm tóe ra những tia lửa của niềm sung sướng lãng mạn, như những tia lửa tóe ra từ tảng đá nàu xám.

— Tôi cũng đang vấp phải một vấn đề khó giải thích — Vê-đa nói — Vì sao trong một thời gian dài như thế, tổ tiên ta không hiểu được một quy luật đơn giản là số phận của xã hội chỉ phụ thuộc vào chính bản thân họ, và xã hội như thế nào thì sự phát triển tinh thần đạo đức của các thành viên trong xã hội thế ấy, vì sự phát triển đó phụ thuộc vào kinh tế.

— Và hình thức hoàn mỹ của sự xây dựng xã hội trên cơ sở khoa học không chỉ là sự tích lũy lực lượng sản xuất về mặt số lượng, mà là một giai đoạn mới về chất, điều đó thực ra cũng đơn giản. — Đa-rơ Vê-te đáp — Thêm nữa, quan niệm về sự phụ thuộc biện chứng chủ trương rằng những quan hệ xã hội mới mà không có con người mới thì cũng hoàn toàn vô nghĩa như những con người mới mà không có nền kinh tế mới. Quan niệm ấy đã dẫn tới kết quả là giáo dục, việc phát triển thể lực và tinh thần của con người trở thành nhiệm vụ chủ yếu của xã hội. Cuối cùng chúng ta đã đi đến kết luận vào thời nào nhỉ?

— Vào kỷ nguyên CR, cuối thế kỷ Phân liệt, ít lâu sau cuộc Đại cách mạng lần thứ hai.

— Sớm như thế là còn may đấy! Kỹ thuật chiến tranh có sức mạnh hủy diệt…

Đa-rơ Vê-te ngừng bặt và quay về phía khoảng cây thưa mờ tối mé bên trái, ở giữa đống lửa và sườn đồi. Tiếng thình thịch và tiếng thở phì phì hổn hển nghe rất gần, khiến cho cả hai nhà du lịch phải bật dậy.

Một con bò đực khổng lồ xuất hiện đột ngột trước đống lửa. Ánh lửa đỏ như máu lấp lóe trong đôi mắt hung dữ của nó. Con quái vật thở phì phì và đập móng làm cho đất khô bắn tung tóe, sẵn sàng xông vào húc. Trong ánh sáng yếu ớt, con bò nom to không thể tưởng được. Cái đầu cúi xuống nom như khối đá hoa cương, cái bướu vai cao ngất sừng sững như vách núi giữa những tảng bắp thịt gồ lên. Cả Vê-đa Công cũng như Vê-te chưa bao giờ tiếp xúc gần như thế với sức mạnh giết người và hung ác của một con vật mà trí óc ngu độn không tiếp thu bất cứ ảnh hưởng nào của lý trí.

Vê-đa áp chặt hai tay trước ngực và đứng không nhúc nhích, như bị thôi miên bởi cái ảo ảnh đột nhiên xuất hiện từ bóng tối. Theo một bản năng mạnh mẽ, Đa-rơ Vê-te đứng trước con bò, lấy thân mình che cho Vê-đa, như tổ tiên anh đã từng làm hàng triệu lần xưa kia.

Nhưng con người của thời đại mới không có vũ khí trong tay.

— Vê-đa nhảy sang phải… — anh vừa kịp thét lên thì con vật đã xông vào.

Cơ thể được luyện tập chu đáo của hai người du lịch có thể đua tranh về độ nhanh với độ mau lẹ cổ sơ của con bò đực. Con vật khổng lồ lao vụt qua và đâm sầm vào giữa đám bụi cây, làm cây gẫy răng rắc, còn Vê-đa và Đa-rơ Vê-te ở trong bóng tối, cách tàu lượn mấy bước. Ở bên ngoài đống lửa, đêm không đến nỗi tối như trước, và chắc chắn từ xa có thể nhìn thấy cái áo dài của Vê-đa. Con bò xông ra khỏi đám bụi cây. Đa-rơ Vê-te tung người bạn đường của mình lên một cách khéo léo, và sau một vòng nhào lộn nguy hiểm, chị đã ở trên sân tàu lượn. Trong lúc con vật còn đang xoay mình nện vó ầm ầm trên mặt đất, thì Đa- rơ Vê-te đã ở trên tàu, cạnh Vê-đa. Họ đưa mắt trao đổi với nhau trong khoảnh khắc, và trong ánh mắt người bạn gái, anh chỉ thấy vẻ khâm phục thành thực. Nắp động cơ đã được mở từ ban ngày, lúc Đa-rơ Vê-te thử tìm hiểu bộ máy phức tạp này. Bây giờ anh tập trung tất cả sức lực, giật đứt sợi cáp của trường thăng bằng khỏi hàng lan can bao quanh sân tàu, cắm đầu dây tuốt trần vào dưới lò xo ở đầu dây chính của máy biến thế và gạt Vê-đa ra để phòng ngừa mọi tai nạn. Lúc này con bò ngoặc sừng vào vào hàng tay vịn và con tàu nghiêng hẳn đi vì bị giật mạnh. Đa-rơ Vê-te cắm đầu dây cáp vào mũi con vật. Một tia chớp màu vàng, một tiếng nổ trầm nặng, và con vật hung dữ ngã khuỵu, đập ngực xuống đất.

— Anh giết chết nó mất rồi! — Vê-đa kêu lên với vẻ phẫn nộ.

— Không phải đâu, đất ở đây khô ráo mà! — Người anh hùng tinh khôn mỉm cười hài lòng.

Để xác nhận lời anh, con bò rống lên một tiếng yếu ớt, đứng dậy và cắm đầu chạy đi bằng một nước phi chuệnh choạng, không ngoái đầu lại, không ngoái đầu lại, dường như cảm thấy sự nhục nhã của mình. Hai người trở lại chỗ đống lửa. Một bó củi mới được tiếp thêm vào, làm ngọn lửa đã tắt lại bùng lên.

— Tôi không lạnh nữa — Vê-đa nói — ta lên đồi đi.

Đỉnh của một gò đất che lấp đống lửa, những ngôi sao mờ nhạt của đêm hè phương Bắc nhòe ra ở phía chân trời, nom như những quả cầu nhỏ phủ một lớp sương mù.

Nhìn về phía Tây không thấy gì cả, ở phía Bắc trên những sườn đồi, có những chuỗi ánh sáng nhấp nháy khó nhận thấy, không rõ là ánh sáng gì. Ở phía Nam, cũng cách rất xa, một ngôi sao rực rỡ chói sáng, đấy là ngôi sao ở tháp quan sát của những người chăn gia súc.

— Hỏng rồi, sẽ phải đi suốt đêm mất… — Đa-rơ Vê-te lầm bầm.

— Không, anh nhìn xem kìa — Vê-đa chỉ về phía Đông, ở đấy bốn cụm sáng nằm thành hình vuông đột nhiên bừng lên. Khoảng cách đến chỗ những cụm sáng ấy chỉ chừng mấy cây số.

Sau khi đã ghi nhận hướng bằng cách lấy các ngôi sao làm mốc, họ xuống đồi, đi về phía ánh sáng. Vê-đa Công dừng lại một lát trước ngọn lửa tàn lụi, như cố nhớ lại điều gì.

— Vĩnh biệt căn nhà của chúng ta… Chị nói với vẻ trầm ngâm — Chắc chắn là những người du mục bao giờ cũng có những chỗ như thế này: không bền và tạm bợ. Hôm nay tôi đã trở thành người phụ nữ của thời ấy. Chị quay về phía Đa-rơ Vê-te và đặt một tay lên cổ anh với vẻ tin cậy: — Tôi đã cảm thấy một cách vô cùng nhạy bén nhu cầu cần được che chở… Tôi không sợ đâu, không! Nhưng đó là cảm giác thú vị về sự phục tùng sức mạnh của số phận, tôi có cảm tưởng như vậy.

Vê-đa chắp hai tay ra sau gáy và vươn mình một cách mềm mại trước đống lửa. Lát sau, cặp mắt đã mờ đi của chị lại long lanh, linh lợi như thường lệ.

— Nào dẫn tôi đi… vị anh hùng! — Cái giọng trầm của chị bỗng đượm vẻ bí ẩn và trìu mến đến khó tả.

Đêm sáng sủa, sực nức hương thơm của cỏ hoa, nhộn nhịp vì tiếng sột soạt của những con thú nhỏ và tiếng kêu của những con chim đêm. Vê-đa và Đa-rơ Vê-te bước đi thận trọng, sợ thụt xuống những hang thú không trông thấy hay xuống khe nứt trên mặt đất khô. Những cọng cỏ vũ mao cọ vào mắt cá chân. Đa-rơ Vê-te chăm chú xem xét, khi trên thảo nguyên vừa xuất hiện những đám bụi cây tối thẫm.

Vê-đa khẽ bật cười.

— Có lẽ nên đem theo ắc-quy và dây cáp chăng?

— Chị thật là nông nổi, Vê-đa ạ, nông nổi hơn tôi tưởng. — Đa-rơ Vê-te đáp với vẻ hồn hậu.

Thiếu phụ bỗng trở nên nghiêm nghị.

— Tôi cảm thấy quá rõ sự bảo vệ của anh…

Và Vê-đa bắt đầu nói, đúng hơn là nói lên những điều chị suy nghĩ về hoạt động sau này của đoàn thám hiểm của mình. Giai đoạn đầu của công việc khai quật những ngôi mộ cổ trên thảo nguyên đã kết thúc, các cộng tác viên của chị trở lại những công việc trước kia hay đi làm những công việc mới. Nhưng Đa-rơ Vê-te không vướng mắc gì, không chọn công việc khác, và anh có thể đi theo người yêu. Căn cứ vào những tin họ nhận được thì công việc của Mơ-ven Ma-xơ tiến triển tốt đẹp. Cho dù công việc không tốt đẹp đi nữa, Hội đồng cũng không gọi anh trở lại cương vị cũ một cách chóng vánh như thế.

Trong thời đại Vành-khuyên vĩ đại, người ta cho rằng bắt mọi người làm mãi một công việc trong thời gian dài là không có lợi. Phẩm chất quý giá nhất là cảm hứng sáng tạo sẽ bị nhụt đi, và chỉ sau một thời gian nghỉ dài, cảm hứng đó mới có thể trở lại với công việc cũ.

— Sau sáu năm tiếp xúc với vũ trụ, anh có cảm thấy công việc của chúng ta là nhỏ mọn và tẻ nhạt không? — Luồng ánh mắt trong sáng và chăm chú của Vê-đa tìm luồng mắt anh.

— Công việc hoàn toàn không nhỏ mọn và tẻ nhạt — Đa-rơ Vê-te đáp — nhưng nó không đem lại cho tôi cái cường độ mà tôi đã quen. Tôi trở nên hiền từ và quá bình lặng, dường như được chữa bệnh bằng những giấc mơ màu thiên thanh!

— Màu thiên thanh?… — Vê-đa hỏi lại, và nhịp thở tắc lại của chị nói với Đa-rơ Vê-te nhiều hơn là màu ửng hồng trên má chị mà anh không nhìn thấy trong bóng tối.

— Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu xa hơn nữa về phía Nam — chị tự ngắt lời mình — nhưng chỉ sau khi đã tập hợp được một nhóm mới gồm những người tình nguyện đi khai quật. Trong thời gian chờ đợi, tôi sẽ làm công tác khai quật dưới biển, đã từ lâu các bạn đồng nghiệp vẫn mời tôi đến giúp họ.

Đa-rơ Vê-te hiểu, và tim anh đập rộn lên vì vui sướng. Nhưng lát sau, anh giấu kín tình cảm vào đáy lòng và vội đỡ lời Vê-đa, hỏi một cách bình tĩnh: — Chị muốn nói đến việc khai quật một thành phố chìm dưới đáy biển ở phía Nam Xi-sin chứ gì? Ở cung Át-lan-ti-đơ, tôi đã thấy những vật kỳ diệu đem ở đấy về.

— Không, bây giờ chúng tôi tiến hành công việc trên vùng bờ biển Đông Địa-trung-hải, trên bờ Hồng-hải và trên bờ biển Ấn-độ. Mục đích là để tìm kiếm những kho báu văn hóa còn giữ lại được, từ nền văn hóa Ấn-độ — Cờ-rét đến đầu thời Trung cổ.

— Những cái đó đã được giấu xuống biển, hay nhiều khi chỉ là bị ném xuống biển khi các hòn đảo văn minh bị suy sụp dưới sức ép của những lực lượng mới dã man ngu dốt và vô tâm, điều đó tôi hiểu — Đa-rơ Vê-te nói với vẻ trầm ngâm và vẫn quan sát khu vực đồng bằng trắng nhờ nhờ — Tôi cũng hiểu cả sự sụp đổ của nền văn hóa cổ đại khi các quốc gia thời ấy tuy hùng mạnh nhờ gắn bó với thiên nhiên, nhưng lại không làm thay đổi được gì trong thế giới, không thể đối phó được với chế độ nô lệ ngày càng đáng ghê tởm, không thể kiềm chế được bọn thống trị ăn bám ngồi trên đầu trên cổ xã hội.

— Và người ta đã thay đổi chế độ nô lệ cổ đại bằng chế độ phong kiến và đêm tôn giáo Trung cổ — Vê-đa tiếp lời — Nhưng vậy thì còn có điều gì anh chưa hiểu?

— Tôi không hình dung được rõ ràng về nền văn hóa Ấn-độ — Cờ-rét.

— Anh chưa biết những công trình nghiên cứu mới. Bây giờ người ta tìm thấy vết tích của nến văn hóa ấy trên khoảng không gian vô cùng rộng lớn, từ chây Mỹ qua đảo Cờ-rét, qua miền Nam Trung-Á và Bắc Ấn tới Tây Trung Quốc.

— Tôi không ngờ rằng vào thời cổ xưa như thế mà đã có thể có những chỗ cất giấu những kho báu nghệ thuật như ở Các-ta-giơ, Hi-lạp hay La-mã.

— Cứ đi với tôi rồi anh sẽ thấy — Vê-đa khẽ nói.

Đa-rơ Vê-te lẳng lặng đi bên cạnh. Bắt đầu một quãng dốc thoai thoải. Khi họ đi lên đến đỉnh một quả đồi chạy dài thì Vê-te đột nhiên dừng lại.

— Cảm ơn lời mời của chị, tôi sẽ đi…

Vê-đa quay đầu lại, hơi có vẻ ngờ vực, nhưng trong ánh sáng mờ nhạt của đêm phương Bắc, cặp mắt anh tối thẫm và không thể soi thấu được.

Vượt sang phía bên kia quả đồi thì ánh đèn có vẻ gần lắm. Những cây đèn có chụp phân cực không khuếch tán ánh sáng, vì thế nom có vẻ xa hơn khoảng cách thực. Sự chiếu sáng tập trung chứng tỏ rằng ở đấy người ta đang làm đêm. Tiếng ồn ào của dòng điện cao thế mỗi lúc một mạnh. Đường viền của những thanh sắt đóng chéo hình mắt cáo lấp loáng ánh bạc dưới những ngọn đèn màu xanh da trời ở trên cao. Tiếng rú cảnh báo khiến họ dừng lại: đấy là máy tự động ngăn đường bắt đầu hoạt động.

— Nguy hiểm, đi sang trái, đừng tới gần dãy cột! — Cái loa phóng thanh vô hình gào lên.

Họ ngoan ngoãn rẽ về phía những căn nhà nhỏ màu trắng có thể tháo lắp đem đi được.

— Đừng nhìn về phía cánh đồng! — Máy tự động lại tiếp tục quan tâm đến họ.

Cửa ra vào ở hai ngôi nhà nhỏ đồng thời mở ra, hai chùm ánh sáng chéo nhau chiếu xuống con đường tối. Một nhóm đàn ông và đàn bà hoan hỉ chào mừng khách. Họ ngạc nhiên về cách đi lại quá thô sơ của hai người, nhất là giữa lúc đêm hôm thế này.

Một căn buồng hẹp có những luồng nước thơm bão hòa khí và điện phun chéo nhau, khiến cho da bị kích thích bằng những điểm phóng điện tạo nên cảm giác vui vẻ: đây là nơi hưởng lạc thú êm dịu.

Hai du khách đã hồi sức gặp nhau bên bàn ăn.

— Vê-te thân mến, chúng ta tình cờ đến chỗ các bạn đồng nghiệp của chúng ta!

Vê-đa rót chất nước uống màu vàng óng ánh vào những chiếc cốc hẹp, cốc lập tức mờ đi vì hơi nước gặp lạnh ngưng tụ lại.

— «Mười trương lực»! — Vê-te vui vẻ giơ tay lấy cái cốc của mình.

— Hỡi người chiến thắng bò mộng, thảo nguyên đã làm cho anh trở nên mọi rợ — Vê-đa phản đối — Tôi cho anh biết những tin lý thú vậy mà anh chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống!

— Ở đây có khai quật à? — Đa-rơ Vê-te ngờ vực.

— Đúng thế, nhưng không phải để khảo cổ, mà để nghiên cứu cổ sinh vật. Họ nghiên cứu những động vật hóa thạch thời kỳ Péc-mi, cách đây hai trăm triệu năm. Tôi rầu lòng nghĩ đến những nghìn năm thảm hại của chúng ta…

— Không đào lên mà nghiên cứu trực tiếp được ư? Sao lại thế?

— Đúng, nghiên cứu trực tiếp. Nhưng bằng cách nào thì tôi chưa biết.

Một trong những người ngồi bên bàn, thân gầy gò, mặt vàng, xen vào câu chuyện.

— Toán chúng tôi đến thay thế cho một toán khác. Chúng tôi vừa kết thúc công việc chuẩn bị và đang bắt tay vào chiếu quang tuyến.

— Bằng tia phóng xạ cứng à? — Đa-rơ Vê-te đoán ra.

— Nếu các bạn không mệt lắm thì tôi khuyên các bạn nên đi xem. Ngày mai chúng tôi sẽ chuyển bãi đi xa hơn nữa và điều đó không có gì thú vị.

Vê-đa và Đa-rơ Vê-te mừng rỡ ưng thuận ngay. Các chủ nhân hiếu khách rời khỏi bàn đứng lên, dẫn họ sang căn nhà bên cạnh. Ở đấy, trong những hõm tường phía trên có mặt số, họ thấy những bộ quần áo bảo vệ treo trêm móc.

— Mức i-ôn hóa do các ống của chúng tôi phóng ra hết sức mạnh — người đàn bà cao, hơi gù nói như xin lỗi, đồng thời giúp Vê-đa mặc bộ quần áo kín mít, đội mũ trong suốt và gắn lên lưng chị những túi nhỏ đựng pin.

Tronh ánh sáng phân cực, mỗi ngọn đồi nhỏ nổi lên một cách thiếu tự nhiên trên mặt đất nhiều mô gò nhỏ của thảo nguyên. Bên ngoài một cánh đồng hình vuông rào xung quanh bằng những cây cọc mảnh, có tiếng gì như tiếng rên khàn khàn. Mặt đất phồng lên, nứt ra và sụt xuống thành cái hố hình phễu. Ở trung tâm phễu xuất hiện một cái ống trụ sáng lấp lánh, chóp nhọn. Một cái mào hình xoáy ốc quấn xung quanh thành ống trụ nhẵn bóng, ở đầu trên có một lưỡi dao phay điện phức tạp đang quay. Lưỡi dao làm bằng kim loại màu xanh. Ống trụ đổ nghiêng qua rìa phễu, xoay đi, cho thấy những cánh tay nhỏ đang hoạt động loang loáng ở phía sau, rồi lại bắt đầu xuyên xuống đất ở cách hố hình phễu vài mét, cắm cái mũi nhẵn bóng xuống đất gần như theo phương thẳng đứng.

Đa-rơ Vê-te nhận thấy một ống trụ kéo theo một đường cáp chập dôi: một dây có cách điện, dây kia trần, sáng lóe ánh kim loại. Vê-đa kéo tay áo anh chỉ về phía trước, mé bên kia dãy rào làm bằng cọc ma-giê. Ở đó, một ống trụ thứ hai cũng như thế chui lên khỏi mặt đất, đổ nghiêng về bên trái bằng một chuyển động cũng như vậy, và lại chui tụt vào đất như chìm xuống nước.

Người mặt vàng phác một cử chỉ vội vã.

— Tôi nhận ra ông ta rồi — Vê-đa thì thầm khi đuổi kịp toán người đã vượt lên trước — Đấy là Lao Lan, nhà cổ sinh vật đã khám phá ra điều bí ẩn về sự di thực của đại lục châu Á trong nguyên đại Cổ-sinh.

— Ông ấy gốc Trung-quốc phải không? — Đa-rơ Vê-te hỏi, vì nhớ tới cặp mắt đen hẹp, hơi lé của nhà bác học — Nói ra thực xấu hổ, tôi không biết tác phẩm của nhà bác học này…

— Tôi cũng thấy là anh biết rất ít về cổ sinh học — Vê-đa nhận xét — Có lẽ anh am hiểu cổ sinh học của một số thế giới sao còn kỹ lưỡng hơn là về cổ sinh học của Trái đất.

Đa-rơ Vê-te tưởng tượng thấy vô số hình thức của sự sống thấp thoáng dưới mắt mình: hành triệu bộ xương kỳ lạ trong những lớp đất đá dầy của những hành tinh khác nhau, đấy là kỷ niệm về quá khứ được giấu kín trong lớp đất của mỗi thế giới có người ở. Kỷ niệm ấy do chính thiên nhiên tạo nên và lưu giữ cho đến khi nào xuất hiện sinh vật biết suy nghĩ chẳng những có khă năng ghi nhớ mà còn có khả năng khôi phục cái đã bị quên lãng.

Họ đứng trên cái sàn nhỏ gắn vào cuối một hình nửa vòm có trổ thủng. Ở chính giữa sàn là một màn ảnh lớn mờ đục. Cả tám người ngồi xuống những ghế dài thấp xung quanh màn ảnh, lặng lẽ chờ đợi.

— Bây giờ «những con chuột chũi» sắp làm xong việc của chúng — Lao Lan lên tiếng — Như các bạn đã đoán ra, chúng dùng dây cáp trần khâu các lớp đất và dệt một mạng lưới kim loại.

Xương của các động vật chết nằm trong cát ẩm, sâu mười bốn mét dưới mặt đất. Dưới nữa, ở độ sâu mười bảy mét, có một màng lưới kim loại giăng ra, màng lưới này nối với một máy chỉ thị mạnh. Như thế là tạo nên một trường phản xạ hắt những tia Rơn-ghen lên màn ảnh, giúp chúng ta thu được ảnh của những bộ xương hóa thạch.

Hai quả cầu lớn bằng kim loại quay trên những chân cột đồ sộ. Những ngọn đèn chiếu sáng rực lên, tiếng còi rú báo có nguy hiểm. Dòng điện một chiều với hiệu điện thế một triệu vôn tỏa ra hơi mát của khí ô-dôn, làm cho tất cả các đầu dây, các vật cách điện, các giá treo đều phóng hào quang màu da trời.

Lao Lan xoay và ấn các nút ở bảng điều khiển, cử chỉ có vẻ hờ hững. cái màn ảnh lớn mỗi lúc một sáng, còn ở giữa màn ảnh có những đường viền không rõ nét lướt qua chầm chậm, rải rác đây đó trong thị trường. Sự chuyển động ngừng lại, những đường viền mờ nhòa của một vệt lớn choán gần hết màn ảnh, mỗi lúc một rõ hơn.

Mấy cái nút bấm nữa trên bảng điều khiển, và trước mắt những người quan sát, bộ xương của một con vật nào chưa từng biết hiện ra trong ánh hào quang mờ ảo. Những cái chân to, đầy móng vuốt co quắp dưới thân, cái đuôi dài uốn cong lại. Điều đáng chú ý trước tiên là xương to và có vẻ nặng lạ thường, đầu xương bè ra và xoắn lại, trên thân xương, có những có những chỗ gồ lên để những bắp thịt khỏe bám vào. Cái sọ với hai hàm ngậm lại nhe ra những răng cửa cực to. Bộ xương được nhìn từ trên xuống, nom như một khối xương xù xì, lỗ chỗ. Lao Lan thay đổi tiêu cự và độ phóng đại: cái đầu của một con vật bò sát cổ đại choán hết cả màn ảnh; khoảng hai trăm triệu năm trước, con vật này đã sống lần hồi trên bờ một con sông lớn xưa kia chảy qua vùng này.

Đỉnh sọ tạo nên bởi những chiếc xương dày lạ thường, không dưới hai mươi xăng-ti-mét.

Phía trên hốc mắt có hai gồ xương nhô ra che lấp cả những hõm thái dương và những mấu lồi của cung xương sọ. Ở rìa chẩm nhô lên một hình nón lớn có hốc: đấy là di tích của một con mắt khổng lồ trên đỉnh đầu. Lao Lan buột ra một tiếng thở dài thích thú.

Đa-rơ Vê-te nhìn chằm chằm vào bộ khung xương thô kệch, nặng nề của con vật thời cổ.

Cơ bắp càng khỏe thì xương càng dầy thêm vì phải chịu trọng tải lớn, còn bộ xương nặng lên thì lại đòi hỏi bắp thịt phải khỏe hơn. Trong các cơ thể đời xưa, sự phụ thuộc trực tiếp như thế đã đưa những con đường phát triển của vô số động vật vào chỗ bế tắc, cho đến khi một sự hoàn thiện nào đó về sinh lý cho phép loại bỏ những mâu thuẫn cũ và vươn lên một mức tiến hóa mới. Dường như khó có tưởng tượng được rằng những sinh vật như thế lại có thể được xếp vào loại tổ tiên của con người, con người với cơ thể tuyệt mỹ, với những động tác linh hoạt và độ chính xác kỳ diệu.

Đa-rơ Vê-te nhìn những đường lồi dầy cộp phía trên lông mày biểu hiện vẻ hung dữ đần độn của con bò sát kỷ Péc-mi và tưởng tượng thấy bên cạnh nó là Vê-đa duyên dáng và cặp mắt sáng trên gương mặt thông minh, lanh lợi… Quả là sự khác biệt kỳ quái trong tổ chức của vật chất sống! Bất giác anh liếc nhìn, cố nhận rõ những đường nét trên mặt Vê-đa ở dưới chiếc mũ, và khi anh lại nhìn lên màn ảnh thì ở đó đã xuất hiện những hình ảnh khác. Cái sọ to hình pa-ra-bôn, dẹt như cái đĩa của một con vật lưỡng thê — con kỳ dông cổ đại — mà số phận bắt phải nằm trong nước ấm và tối của đầm lầy Péc-mi để chờ đợi một vật gì ăn được tới gần, khiến nó có thể đớp lấy. Khi đó, một cái nhảy nhanh, cái mõm rộng sập lại, rồi… lại nằm ì một chỗ, kiên nhẫn vô hạn. Có cái gì khiến Đa-rơ Vê-te bực tức. Những bằng chứng về sự tiến hóa tàn bạo và dài vô tận của sự sống gây cho anh một tâm trạng nặng nề. Anh vươn thẳng người và Lao Lan đoán được tâm trạng anh, liền mời anh trở vào nhà nghỉ ngơi.

Vê-đa vốn rất tò mò, chị phải gắng gượng lắm mới bỏ đi được khi thấy các nhà bác học vội mở máy chụp ảnh điện tử và ghi âm luôn thể để khỏi hao phí dòng điện một cách vô ích. Lát sau, Vê-đa đã nằm trên tấm đi-văng rộng trong phòng khách của căn nhà dành riêng cho phụ nữ. Đa-rơ Vê-te còn dạo thêm một lúc nữa trên cái sân đất san phẳng trước nhà, nhớ lại những ấn tượng thu lượm được.

Buổi sáng phương Bắc đã tưới sương rửa sạch lớp cỏ bụi rậm. Nhà bác học trầm tĩnh Lao Lan đã trở về sau đợt làm đêm và đề nghị dùng xe «En-phơ» — loại ô-tô nhỏ chạy bằng ắc- quy — đưa các vị khách đến sân bay gần nhất. Khu vực hạ cánh của các máy bay phản lực nhảy vượt chỉ cách đây chừng một trăm ki-lô-mét về phía Đông Nam, vùng hạ lưu sông Tơ— 91 rôm In-gam. Vê-đa muốn liên lạc với đoàn khảo cổ của chị, nhưng ở chỗ khai quật không có máy phát vô tuyến đủ mạnh. Từ khi tổ tiên chúng ta hiểu được sự tai hại của những bức xạ ra-đi-ô và qui định một chế độ sử dụng nghiêm ngặt thì sự phát sóng định hướng đòi hỏi những thiết bị phức tạp hơn, đặc biệt là khi nói chuyện qua những khoảng cách xa. Ngoài ra, số trạm đã giảm bớt nhiều. Lao Lan quyết định liên hệ với tháp gần nhất của những người chăn nuôi gia súc. Những tháp như thế liên hệ với nhau bằng sóng định hướng và có thể truyền bất cứ tin tức gì về Trạm trung tâm của vùng mình. Một nữ thực tập sinh sắp đưa chiếc xe «En-phơ» trở lại nơi nghiên cứu cổ sinh vật, cô khuyên hai người khách nên đi theo con đường đến tháp: ở đấy họ có thể nói chuyện qua máy điện thoại truyền hình. Đa-rơ Vê- te và Vê-đa mừng rỡ. Cơn gió mạnh cuốn một lớp bụi mỏng đưa tạt sang bên đường, xoa bù mái tóc cắt ngắn dày rậm của cô gái lái xe. Họ ngồi chen chúc nhau trên cái ghế ba chỗ ngồi: thân hình đồ sộ của chủ nhiệm các trạm ngoại vi lấn chỗ của hai người bạn gái. Bóng dáng thanh thoát của tháp quan sát hiện lên hiện lên lờ mờ trên nền trời trong xanh. Chẳng mấy chốc, «En-phơ» đã dừng dưới chân tháp. Những chân kim loại choãi rộng đỡ một mái che bằng chất dẻo, một chiếc «En-phơ» cũng như thế đỗ dưới mái che. Những trục dẫn hướng của thang máy xuyên qua chính giữa mái. Cái buồng thang máy nhỏ xíu lần lượt đưa cả ba người qua tầng nhà ở, lên tầng trên cùng. Tại đó,một chàng trai nước da bánh mật, gần như không có quần áo, ra tiếp họ. Cô gái cắt tóc ngắn lái xe đưa họ đến đây vốn là người điềm đạm, vậy mà bỗng nhiên tỏ ra lúng túng, và Vê-đa hiểu rằng sáng kiến của cô ta có gốc rễ sâu sắc hơn…

Căn phòng nhỏ tròn trịa có tường kính đu đưa rõ rệt. Cái tháp nhẹ phát ra âm thanh đơn điệu như sợi dây đàn căng thẳng. Trần và sàn căn phòng đều sơn màu tối. Dọc theo các cửa sổ có kê những chiếc bàn hẹp có để ống nhòm, máy tính, vở ghi chép. Đứng trên chiều cao chín mươi mét này, ta nhìn thấy được cả một khu vực rộng mênh mang của thảo nguyên, cho đến giới hạn nhìn xa của các tháp khác. Người ta thường xuyên quan sát các bầy gia súc và tính lượng thức ăn dự trữ. Những đường vắt sữa làm thành những vòng tròn đồng tâm màu lục trên thảo nguyên, mỗi ngày hai lần người ta lùa những đàn bò sữa qua cái mê lộ ấy. Sữa không bao giờ bị chua, như sữa sơn dương Phi-châu, được trộn đều và ướp lạnh ngay tại đây, trong những buồng ướp lạnh ở dưới đất, và có thể giữ được rất lâu. Để lùa gia súc đi, người ta dùng những chiếc xe «En-phơ» mà mỗi tháp đều có. Những người quan sát có thể học tập trong thời gian trực, vì vậy phần lớn họ là học sinh chưa tốt nghiệp. Chàng trai dẫn Vê-đa và Đa-rơ Vê-te theo cái thang hình đinh vít xuống tầng nhà ở lơ lửng giữa những thanh dầm chéo nhau, cách mấy mét về bên dưới. Nơi này có tường cách âm rất tốt và các du khách lọt vào một chỗ hoàn toàn im lặng. Duy có sự đu đưa không ngừng nhắc họ nhớ rằng căn phòng ở một chiều cao nguy hiểm.

Vừa hay, một chàng trai khác làm việc bên máy ra-đi-ô. Kiểu chải tóc rắc rối và tấm áo dài rực rỡ của cô gái trên màn ảnh — cô gái liên lạc với anh — chứng tỏ rằng anh đang liên lạc với Trạm trung tâm: những người làm việc trên thảo nguyên thường mặc bộ áo liền quần nhẹ và ngắn. Cô gái trên màn ảnh bắt đầu liên lạc với một trạm ở vành đai và lát sau, trên máy điện thoại truyền hình của tháp đã hiện ra khuôn mặt buồn rầu và dáng người nhỏ nhắn của Mi-i- cô Ây-gô-rô, người phụ tá chính của Vê-đa. Đôi mắt thẫm màu của cô cũng lé như Lao Lan, lộ rõ vẻ ngạc nhiên vui sướng, và cái miệng nhỏ hơi hé mở vì bất ngờ. Lát sau, khuôn mặt ấy đã trở nên lạnh lùng, không biểu lộ một vẻ gì ngoài vẻ chăm chú bận rộn. Trở lên đỉnh tháp, Đa-rơ Vê-te bắt gặp cô gái nghiên cứu cổ sinh học đang chuyện trò sôi nổi với chàng trai họ gặp lúc đầu. Và Vê-te ra cái bao lơn lớn hình vành khuyên viền quanh buồng kính. Hơi mát ẩm ướt buổi sáng từ lâu đã nhường chỗ cho buổi trưa oi nồng làm mờ mọi màu sắc rực rỡ và xóa nhòa mọi chỗ nhấp nhô trên mặt đất. Thảo nguyên trải rộng, nom phóng khoáng dưới bầu trời nóng nực, trong trẻo. Đa-rơ Vê-te lại nhớ tới nỗi buồn man mác khi anh nghĩ đến xứ sở ẩm ướt của tổ tiên anh ở phương Bắc. Tỳ khuỷu tay vào hàng tay vịn của cái bao lơn tròng trành, giờ đây, hơn lúc nào hết, cựu chủ nhiệm các Trạm ngoại vi cảm thấy ước mơ của người xưa đã được thực hiện. Thiên nhiên khắc nghiệt đã bị con người đẩy lùi về phương Bắc, và khí hậu phương Nam ấm áp có lợi cho sức khỏe đã tràn đến đồng bằng này, vùng đất xưa kia chết cóng dưới đám mây lạnh.

Vê-đa Công vào căn buồng kính và cho biết người điều vận ra-đi-ô tình nguyện dẫn chị và Vê-te đi tiếp. Cô gái tóc ngắn nhìn nhà sử học hồi lâu với vẻ biết ơn. Qua bức tường trong suốt, họ nhìn thấy tấm lưng rộng bản của Đa-rơ Vê-te: anh đang ngây người ra ngắm cảnh: — Anh nghĩ ngợi ư? — Có tiếng nói ở sau lưng anh — Có lẽ anh nghĩ đến tôi chăng?

— Không, Vê-đa ạ, tôi nghĩ về một luận điểm của triết học cổ Ấn-độ. Luận điểm đó nói rằng thế giới không phải được tạo nên cho con người, và bản thân con người chỉ trở nên vĩ đại khi nó hiểu được toàn bộ trách nhiệm và vẻ đẹp của cuộc sống khác, cuộc sống của thiên nhiên…

— Anh chưa nói hết ý, vì thế tôi chưa hiểu.

— Có lẽ tôi chưa nói hết ý. Tôi muốn thêm vào một ý nữa: chỉ riêng con người mới có khả năng hiểu được cả vẻ đẹp cũng như mặt khó khăn, đen tối của cuộc sống. Chỉ con người mới biết ước mơ và đủ sức làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn!

— Tôi hiểu rồi — Vê-đa khẽ nói, và sau một quãng im lặng dài, chị nói thêm: — Anh đã đổi khác Vê-te ạ.

— Cố nhiên là tôi đổi khác. Chỉ bốn tháng dùng xẻng đào những khối đá nặng và những khúc gỗ gần như đã mục nát trong các ngôi mộ cổ của chị. Muốn hay không, tôi cũng phải nhìn cuộc sống một cách đơn giản hơn, và những niềm sung sướng giản dị của cuộc sống cũng trở nên đáng yêu hơn…

— Đừng đùa, Vê-te — Vê-đa chau mày — tôi nói đứng đắn đấy. Khi tôi biết anh, anh đang chỉ huy toàn bộ sức mạnh của Trái đất, anh nói chuyện với các thời gian xa xôi… Ở đấy, trong các đài quan sát của anh, anh có thể là bậc siêu nhiên của những người người đời xưa, đấng siêu nhiên mà người ta gọi là Thượng đế! Còn ở đây, làm công việc giản dị của chúng tôi, cũng như nhiều người khác, anh… — Vê-đa im bặt.

— Tôi làm sao kia? — Anh tò mò gặng hỏi chị — Tôi mất vẻ oai phong phải không? Nhưng nếu vậy thì chị sẽ nói gì khi thấy tôi trong thời kỳ trước khi tôi vào Viện thiên văn vật lý?

Hồi ấy tôi làm thợ máy ở Đường xoáy ốc. Việc đó kém oai phong phải không? Hay làm thợ chữa máy gặt ở các vùng nhiệt đới cũng xoàng lắm nhỉ?

Vê-đa cười giòn vang.

— Tôi xin tiết lộ với anh một bí mật tâm hồn của tôi trong thời thanh xuân. Ở trong cấp ba, tôi đã phải lòng một anh thợ máy ở Đường xoáy ốc; tôi không thể tưởng tượng được một người nào đó có quyền lực của anh ta… Nhưng thôi, anh chàng vận hành ra-đi-ô đang đi tới kia kìa. Ta đi đi, Vê-te!

Trước khi cho Vê-đa và Đa-rơ Vê-te vào ca-bin, phi công hỏi một lần nữa xem sức khỏe của họ có thể chịu nổi gia tốc lớn của máy bay nhảy vượt không? Anh phi công này tuân theo quy tắc một cách chặt chẽ. Được trả lời lần thứ hai là họ chịu đựng được, phi công cho hai người ngồi trong những chiếc ghế lõm sâu ở phần mũi trong suốt của cái máy bay có hình dạng giống giọt nước mưa khổng lồ. Vê-đa cảm thấy rất khó chịu: ghế bị lật ngửa ra phía sau trong cái thân máy bay dựng ngược. Tín hiệu như tiếng cồng vang lên, bộ lò xo mạnh ném chiếc máy bay lên cao gần như thẳng đứng. Cơ thể Vê-đa từ từ chìm sâu vào giữa lòng ghế như, như chìm vào một chất lỏng đặc quánh. Đa-rơ Vê-te gắng gượng quay đầu lại để mỉm cười khích lệ Vê-đa. Phi công mở động cơ. Tiếng máy gầm rú, sức nặng đè ép lên toàn cơ thể, và chiếc máy hình giọt nước vụt đi, vạch một cung ở độ cao hai mươi ba ngàn mét. Dường như chỉ mấy phút sau, hai người du lịch đã ra khỏi máy bay, xuống phía trước những ngôi nhà nhỏ của mình trong thảo nguyên An-tai. Chân họ yếu đến nỗi chỉ chực khuỵu xuống, còn phi công xua tay ra hiệu bảo họ lánh ra xa. Đa-rơ Vê-te hiểu rằng sẽ phải dùng mặt đất để nối mạch mở động cơ. Ở đây không có máy bật như ở sân bay. Anh kéo Vê-đa lao vụt về phía Mi-i-cô Ây-gô-rô. Cô đang chạy thoăn thoắt đến đón họ. Hai người đàn bà ôm nhau như đã xa nhau lâu lắm rồi.

Загрузка...